Xử lý khủng hoảng trong kinh doanh: Giảm lương hay giảm nhân sự?

Xử lý khủng hoảng trong kinh doanh: Giảm lương hay giảm nhân sự?

Khi cần xử lý khủng hoảng trong kinh doanh, các công ty thường đối phó bằng cách cắt giảm nhân sự. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các công ty thay thế giải pháp này bằng cách cắt giảm lương?

Một số học giả gồm Christopher T. Stanton đến từ Trường Kinh doanh Harvard, Jason Sandvik và Nathan Seegert từ Đại học Utah, Richard Saouma từ Đại học bang Michigan đã cùng thực hiện một nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng khi một công ty cắt giảm lương, những nhân viên giỏi nhất thường là những nhân viên đầu tiên sẽ rời bỏ công ty đó, phần lớn là để chuyển sang làm việc cho một đối thủ cạnh tranh. Điều đó lại càng làm cho doanh thu của công ty bị sụt giảm nhanh hơn.

Ngược lại, nếu quyết định cắt giảm nhân sự, thì doanh nghiệp có thể kiểm soát việc này, có nghĩa là được lựa chọn đối tượng cho thôi việc, thường là những nhân viên làm việc với hiệu quả thấp nhất.

Các nhà nghiên cứu nói trên đã tiến hành một thực nghiệm với 2.033 nhân viên bán hàng làm việc ở một trung tâm dịch vụ khách hàng và thuộc sáu bộ phận kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số khác nhau, trong đó có dịch vụ truyền hình cáp, dịch vụ mạng điện thoại di động và dịch vụ kết nối internet. Các nhà nhiên cứu này đã biết được việc cắt giảm lương ở một bộ phận vài tuần trước khi có thông báo về việc này. Điều đó tạo cơ hội cho họ tiến hành thực nghiệm “một cách tự nhiên” để tìm hiểu những phản ứng có thể xảy ra từ các nhân viên bán hàng.

Vào tháng 11-2016, khi thời vụ kinh doanh sôi động mùa hè kết thúc, trưởng bộ phận của nhóm nhân viên bị ảnh hưởng đã thay đổi các chính sách khuyến khích bán hàng, cắt giảm bớt giải thưởng đối với hầu hết các sản phẩm được bán ra. Các nhà quản lý cũng thay đổi các cấu phần tiền hoa hồng bán hàng và giảm số tiền này xuống khoảng 18%. Đối với nhiều nhân viên bán hàng, những thay đổi này làm cho lương thực nhận của họ giảm đi khoảng 7%.

Trước khi thực hiện việc cắt giảm nói trên, lương thực nhận bình quân của các nhân viên ở bộ phận này là 17,30 USD/giờ, xấp xỉ với lương của các nhân viên ở những trung tâm dịch vụ khách hàng gần đó. Đây là một yếu tố quan trọng đối với cuộc thử nghiệm bởi vì những nhân viên quyết định nghỉ việc đều đã có những lựa chọn khác.

Chẳng hạn, nhân viên ở một trung tâm dịch vụ khách hàng của một nhà cung cấp dịch vụ giải trí toàn cầu ở khu vực lân cận chỉ được trả lương 15 USD/giờ lúc mới nhận việc nhưng lại được tăng thêm 0,5 USD/giờ cứ sau mỗi sáu tháng. “Mặc dù một nhân viên bình thường của công ty có thể hưởng được mức lương cao hơn nhân viên của những công ty lân cận, nhưng bên ngoài cũng đang nổi lên rất nhiều nơi trả lương cạnh tranh không kém khác”, nghiên cứu ghi nhận.

Và khi công ty vừa thông báo cắt giảm lương thì những nhân viên được hiểu là “có năng suất lao động cao” nhất, tức là những nhân viên có mức lương cao hơn 20% – 25% so với những nhân viên bình thường, lại nghỉ việc với tỷ lệ cao hơn những nhân viên bình thường đến 28%. Sự ra đi của họ khiến cho doanh thu của công ty bị sụt giảm 6% trong vòng năm tháng sau đó, Stanton cho biết.

“Khi những nhân viên giỏi nhất ra đi và doanh nghiệp thay thế họ bằng những nhân viên bình thường sau đó thì doanh nghiệp sẽ bị mất đi phần doanh thu bằng chênh lệch giữa nhân viên giỏi và nhân viên bình thường”, Stanton giải thích.

“Điều làm tôi ngạc nhiên là những nhân viên ở lại không hề làm việc kém đi mà thậm chí họ còn làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, những nhân viên này chẳng bao giờ có lại được mức lương như ban đầu cho dù họ có làm việc tích cực đến đâu”, Stanton chia sẻ.

Bởi vì, vài tháng sau đó, công ty lại tiếp tục giảm tiền lương của nhóm nhân viên có mức lương cao đứng hàng thứ hai và là những nhân viên bán được các mặt hàng có giá trị lớn. Nhưng kết quả là những nhân viên này đã quyết định không nghỉ việc. Họ e rằng mình khó có thể tìm được mức lương cao như vậy ở công ty khác. Như vậy, khi gặp khó khăn, giải pháp khôn ngoan cho doanh nghiệp là cắt giảm lương hay cắt giảm nhân sự?

Câu trả lời của Stanton là còn tùy vào tình huống. Nếu nhân viên nghỉ việc vào những tháng thấp điểm, việc cắt giảm lương có thể có tác dụng vì điều này sẽ làm cho doanh nghiệp không mất quá nhiều chi phí. Và doanh nghiệp có thể tuyển dụng lại họ vào mùa cao điểm. Một lựa chọn khác là tìm hiểu xem những nhân viên nào ít có khả năng rời bỏ công ty cao nhất thì cắt giảm lương của họ nhiều nhất (nhóm này thường là những nhân viên có hiệu quả làm việc bình thường). Còn những nhân viên giỏi hơn, có khả năng nghỉ việc cao hơn thì nên áp dụng cho họ mức giảm lương thấp hơn so với các nhân viên bình thường khác.

“Tuy nhiên, điều này có thể tạo ra sự không công bằng, làm mất tinh thần, động lực làm việc của số đông nhân viên”, Stanton cảnh báo. “Trong khi đó, nếu hoạt động kinh doanh không có tính mùa vụ mà doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp cắt giảm lương thì khả năng cao là nhiều nhân viên giỏi nhất sẽ ra đi”, Stanton nói thêm. Đối với nhân viên, việc quyết định có ra đi hay không phần lớn tùy thuộc vào việc họ có dễ dàng tìm việc mới hay không. “Nếu bạn là một trong những nhân viên giỏi nhất, bạn cũng sẽ có thể chọn cách ra đi”, Stanton nói.

(Theo Doanhnhanplus)