Vì sao quá cầu toàn sẽ chẳng thể thành công, thậm chí còn khiến bạn dễ trầm cảm, sự nghiệp lao dốc?

Vì sao quá cầu toàn sẽ chẳng thể thành công, thậm chí còn khiến bạn dễ trầm cảm, sự nghiệp lao dốc?

Người cầu toàn có thực sự gặp vấn đề tâm lý không?

Tôi đã gặp không ít người tự thú nhận rằng mình là người nghiện sự hoàn hảo. Những người này cũng tự nhận mình là kẻ “khoe khoang khiêm tốn”. Bởi họ cho rằng việc theo đuổi sự hoàn hảo là một thú vui nho nhỏ nhưng cũng đồng thời là cái tôi to to tồn tại song song trong chính bản thân họ.

Trên thực tế, sự xuất sắc được coi như yếu tố then chốt tạo nên thành công. Và cũng chính vì vậy, có không ít người luôn mang trong mình kỳ vọng cao về bản thân cũng như thế giới xung quanh. Thế nhưng, đáng tiếc thay, sự cầu toàn trong con người họ cũng chính là yếu tố ngăn họ đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp, tài năng.

Dưới đây là 9 biểu hiện của một người cầu toàn quá mức và hãy cùng xem tác động tiêu cực của chúng khiến bạn dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, chẳng thể có được sự nghiệp thành công:

Quan niệm rằng tất cả mọi người đều phải hoàn hảo

Người cầu toàn không chỉ kỳ vọng vào sự thể hiện xuất sắc của bản thân mà còn mong muốn, đôi khi là bắt ép tất cả những người xung quanh họ cũng phải trở nên hoàn thiện như vậy. Bằng việc áp đặt những tiêu chuẩn vô lý lên những người khác, người nghiện sự hoàn hảo hiếm khi nào đồng cảm hay chấp nhận những người chưa chạm tới “đẳng cấp” của họ. Những yêu cầu đòi hỏi không thực tế cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự bấp bênh trong mọi mối quan hệ của người cầu toàn.

Gặp vấn đề trong việc kiểm soát thời gian

Hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn là một thói quen tốt, thế nhưng so với người bình thường, quỹ thời gian của người cầu toàn dường như luôn thiếu hụt. Điều này có lẽ vì họ không cho phép mình bỏ qua bất kỳ tiểu tiết nào.

Họ có thể viết một cái mail đến hàng trăm lần nhưng vẫn không dám gửi vì sợ bản thân mình sẽ mắc lỗi. Việc cẩn thận quá mức khiến họ không khỏi băn khoăn về những thiếu sót của bản thân dẫn đến việc lặp đi lặp lại những công đoạn không cần thiết. Chính vì điều này, người cầu toàn lúc nào cũng cảm thấy khó khăn trong việc phân bổ thời gian hợp lý.

Xem sai sót là dấu hiệu của thiếu năng lực

Người cầu toàn không xem lỗi lầm là cơ hội học hỏi. Thay vào đó, họ xem chúng như bằng chứng cho sự kém cỏi của bản thân. Việc này khiến họ luôn nghi ngờ năng lực bản thân, thậm chí đến những sai sót nhỏ nhặt nhất cũng khiến họ phê phán bản thân không ngừng.

Che giấu khuyết điểm của bản thân bằng mọi giá

Nỗi sợ lớn nhất của một người theo chủ nghĩa hoàn hảo là việc những thiếu sót của bản thân bị lôi ra đánh giá, phán xét. Vì thế, họ luôn cố tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo. Bằng cách đó, họ trở thành những bậc thầy trong việc che giấu cảm xúc. Dù nội tâm của họ có hỗn loạn đến mức nào, trong mắt người khác, họ vẫn luôn phải có hình ảnh hoàn hảo nhất.

Tránh né những công việc mang tính rủi ro

Người cầu toàn có xu hướng phô diễn năng lực hiện có thay vì học hỏi những kỹ năng mới. Thay vì chọn những thử thách nhằm nâng cao đường cong kinh nghiệm của mình, người theo chủ nghĩa hoàn hảo thích những công việc mang tính an toàn và có thể mang lại cho họ thành công nhanh chóng nhất.

Hiếm khi nào những người này mạnh dạn đảm nhận một dự án chưa rõ yếu tố thành bại hay hàm chứa tính phức tạp, rủi ro.

Coi nhẹ những thành tựu đã đạt được

Dù có đạt được thành tựu lớn đến thế nào, một người cầu toàn cũng không bao giờ ăn mừng chiến thắng của mình hay cảm thấy thỏa mãn với bản thân. Họ không dám thừa nhận năng lực bản thân mà cho rằng thành công là do yếu tố may mắn. Câu cửa miệng của những người này là: “Tôi đã có thể làm tốt hơn nữa” hay “Dự án còn có thể mĩ mãn hơn nếu tôi suy nghĩ sáng suốt hơn một chút”, đại loại như vậy.

Đánh giá giá trị bản thân dựa trên sự công nhận của người khác

Trên thực tế, những người cầu toàn có cảm thấy hạnh phúc, đặc biệt là khi họ làm được một điều gì đó phi thường. Tuy nhiên, chỉ với một sự phủ nhận đến từ người khác, họ có thể thay đổi tâm trạng của mình đến chóng mặt, đơn giản bởi vì những người theo chủ nghĩa hoàn hảo không nhìn nhận, đánh giá cuộc đời mình theo cách thông thường.

Đáng nói hơn, người cầu toàn không bao giờ xem những nét tính cách tích cực như lòng đồng cảm, vị tha hay khiếu hài hước là thứ để gây ấn tượng tốt với người khác.

Hành trình chạm tay tới sự hoàn hảo đánh đổi bằng sự mất cân bằng về mặt cảm xúc

Rõ ràng, việc thiết lập những quy chuẩn không cần thiết trong đời sống cá nhân cũng như tập thể có những tác động tiêu cực đến tinh thần của những người sống theo chủ nghĩa hoàn hảo. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người này thường mắc hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rơi vào tình trạng lo lắng, stress kéo dài. Thậm chí tệ hơn, ám ảnh về sự hoàn hảo có thể dẫn tới những việc làm tiêu cực như tự tử.

Không bao giờ hài lòng với những gì mình đang có

Nỗi sợ thất bại ám ảnh người cầu toàn bất kể họ đang làm gì và việc này khiến họ không nhìn ra và trân trọng những gì họ đang sở hữu. Chuyên gia cho rằng họ sẽ sống tốt hơn trong môi trường ít áp lực.

Tuy nhiên, những gì đáng quý nhất của cuộc đời sẽ không tự nhiên mà đến với những người không dám chấp nhận thất bại. Chính vì thế, người cầu toàn sẽ sống cả một đời đầy ắp lo âu, áp lực cũng như bất mãn không dứt với những thứ mình đang sở hữu.

Họ không hiểu một điều rằng, chẳng có ai hoàn hảo. Mọi người đều có khiếm khuyết. Điều quan trọng hơn là chúng ta cần học hỏi từ sai lầm của chính mình.

Vì sao quá cầu toàn sẽ chẳng thể thành công, thậm chí còn khiến bạn dễ trầm cảm, sự nghiệp lao dốc? - Ảnh 1.

Liệu có cách nào để thay đổi cục diện?

Người sống với sự hoàn hảo có thể có những bước khởi đầu tốt trong sự nghiệp của mình bởi họ hiểu rõ chỗ đứng và năng lực của bản thân. Thế nhưng, bạn cần hiểu rằng đời sống luôn chứa đầy những yếu tố bất ngờ và đôi khi, chúng vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn. Với những trường hợp như vậy, chẳng còn cách nào khác là dùng chính năng lực cùng sự sáng suốt của bản thân để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Dù cầu toàn chưa bao giờ được xem là một hội chứng tâm lý nhưng nếu có những biểu hiện trên, bạn hoàn toàn có thể tìm một chuyên gia tư vấn, trút hết nỗi lòng mình và để họ giúp bạn tháo gỡ những nút thắt trong lòng.

Sau cùng thì, hãy luôn cố gắng hết sức mình và luôn chuẩn bị tinh thần để đón những trở ngại trên đường đời của bạn. Đừng sợ hãi mà hãy xem những rủi ro đó như là cách học hỏi và hoàn thiện bản thân.

Nguồn: cafebiz


Dark Swan

Dark Swan

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com