Làm sếp và luôn cầu toàn, "cáng đáng" mọi chuyện lớn nhỏ: Tư tưởng này là công cụ hay chướng ngại vật trên con đường đi đến thành công?
Một doanh nhân có thể tự tay kiểm soát hết mọi việc tại thời điểm thành lập công ty. Tuy nhiên, công ty càng lớn mạnh, cách vận hành tập trung quyền lực vào tay người lãnh đạo càng bộc lộ nhiều khuyết điểm.
Thực tế, hầu hết các CEO đều có tư tưởng: “Tôi phải cáng đáng hết mọi việc”. Đáng buồn hơn, dù nhận thức được tư tưởng của mình là sai lầm nhưng các nhà lãnh đạo không thể tìm ra cách thay đổi. Theo một khảo sát dành cho các start up, 37% những người tham gia cho rằng tuyển dụng nhân sự là khâu khó nhất khi xây dựng một công ty.
Có lẽ vì vậy, thay vì san sẻ công việc cho cộng sự và nhân viên, người lãnh đạo lựa chọn chủ nghĩa cầu toàn và gánh vác toàn bộ gánh nặng công ty trên đôi vai mình. Họ giống như những thuyền trưởng vừa lo lèo lái con tàu vượt qua cơn bão vừa lo ổn định từng thủy thủ trong đoàn vào vị trí của mình.
Điều này, về lâu dài, gây lên bất cập không nhỏ trong việc đào tạo nhân viên bởi chính người lãnh đạo không thể mở lòng tin tưởng và giao phó công việc cho người khác. Jan Lehman, chủ tịch công ty tư vấn kinh doanh CTC Productivity, chia sẻ: “Rất nhiều doanh nhân không hứng thú với cơ hội được san sẻ gánh nặng. Để làm được điều này, bạn cần học cách đào tạo, hướng dẫn người khác. Bạn cần tập trung giao tiếp toàn diện cũng như phân định rõ ràng việc nào là việc nên giao cho người khác”.
Quản lý nhân sự chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng, hãy học cách san sẻ gánh nặng của bạn cùng người khác trước khi khó khăn làm bạn nhụt chí, hoặc nghiêm trọng hơn, kết thúc sự nghiệpbạn gây dựng một cách chóng vánh.
Hậu quả đến từ tư tưởng “Tôi tự làm được”
Chuyên gia hoạch định Ellen Delap chỉ ra 3 hậu quả từ sự “thích ôm việc” của các lãnh đạo. Hậu quả dễ nhận thấy nhất là tình trạng stress kéo dài cho bản thân CEO. Điều này khá hiển nhiên bởi làm việc độc lập nghe có vẻ đơn giản nhưng nó luôn kích thích dây thần kinh lo lắng khi kỳ vọng dường như tăng theo cấp số nhân theo thời gian.
Khi công việc trở nên quá tải, người lãnh đạo dường như tự giam mình trong thế giới mà họ phải tự giải quyết mọi chuyện chỉ bằng trí não và sức lực của mình.
Và tất nhiên, tình trạng trên dẫn tới hậu quả thứ hai mà theo Delap gọi là trạng thái kiệt quệ. Trong những năm đầu khởi nghiệp, khi công ty vẫn non trẻ và còn nhiều cơ hội phát triển, bạn có thể có nhiệt huyết làm việc 24/7, tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài mãi mãi. Mặt khác, stress cùng các vấn đề tồn đọng sau cùng sẽ dẫn đến hậu quả thứ ba: giảm sút kết quả kinh doanh.
Kể cả những doanh nhân thông minh nhất, học thức cao nhất cũng thừa nhận mình không thể tránh khỏi những vấn đề trên. Trên con đường đi tìm bản năng của một con sói săn mồi đơn độc, họ đã bỏ quên các tín hiệu báo cho họ biết khi nào thì nên buông bỏ.
Rõ ràng một nhà lãnh đạo không thể một tay nâng tầm cả một bộ máy. Kinh doanh phát triển, khách hàng ngày một nhiều hơn. Với 168 tiếng một tuần, một người không thể đảm nhận hết mọi việc, chưa kể đến việc người thích ôm việc thường tốn quá nhiều thời gian giải quyết những công việc không thuộc phạm vi kỹ năng của mình dẫn đến giảm năng suất làm việc đáng kể.
Sau cùng, việc trì hoãn thường xuyên diễn ra. Amy Tokos, sở hữu công ty Freshly Organized, chia sẻ bà thường xuyên phải tìm và lấp các lỗ hổng trong công việc khi làm việc cùng các doanh nhân. Khi deadline đến càng gần, tình trạng công ty càng lúc càng trở nên hỗn loạn bởi chính những nhà lãnh đạo cũng rơi vào tình trạng quá tải với vô vàn chướng ngại vật ngăn cản họ hoạch định chiến lược hiệu quả.
3 chiến lược ngăn ngừa "bản năng săn mồi đơn độc của một con sói"
Chìa khóa chính là sự cân bằng trong việc nhận và giao việc. Mỗi khi bạn đối đầu với một thử thách có tiềm năng mang về cho bạn những khoản lợi lớn, ghi nhớ các chiến lược sau:
1. Hiểu rõ năng lực bản thân
Đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bạn bằng cách chia một tờ giấy làm bốn phần. Đặt tên lần lượt cho bốn phần: "Tôi thích làm việc này", "Tôi không thích làm việc này", "Tôi cần làm việc này" và "Tôi không cần làm việc này". Điền vào mỗi ô năng lực hiện tại của bạn và từ đó quyết định bạn nên nhận việc gì và nên từ bỏ việc gì.Sau cùng, bạn sẽ có một con đường rõ ràng hơn đưa bạn thoát khỏi lịch trình làm việc dày đặc. Bên cạnh đó, tận dụng các biện pháp tăng năng suất làm việc như tuyển dụng thêm nhân viên cũng sẽ giúp bạn san sẻ phần nào gánh nặng. Lập bảng theo dõi công việc từng tuần, từng tháng cũng rất cần thiết giúp bạn theo sát, hỗ trợ công việc trong trường hợp khẩn cấp.
2. Phân chia thời gian làm việc rõ ràng
Công việc ngập đầu khiến bạn xao nhãng? Thiết lập thời gian biểu làm việc sẽ giúp bạn tập trung vào những công việc thực sự quan trọng, theo kinh nghiệm của Tokos.
Bạn có thể thấy lạ lẫm bởi thời gian làm việc ít đi khi không phải nỗ lực “nhúng tay” vào mọi việc trong công ty. Bằng việc phân bổ thời gian, các yếu tố gây xao nhãng được giảm thiểu, giúp bạn tập trung nguồn lực cho những công việc quan trọng nhất.
3. Học cách san sẻ công việc
Lehman không chỉ ủng hộ phân công công việc mà còn là một người theo chủ nghĩa chuyên môn hóa. “Nếu bạn giỏi sales, hãy thuê người làm công việc quản trị, giải quyết giấy tờ giao dịch để bạn tập trung thời gian bán hàng. Doanh số bán hàng bạn mang lại sẽ bù đắp chi phí mà bạn bỏ ra để có các nguồn lực khác", bà chia sẻ.
Bạn gặp vấn đề trong tin tưởng đồng nghiệp của mình? Hãy nhìn lại mối quan hệ giữa Steve Jobs và Steve Wozniak. Apple chắc chắn không thể trụ vững sau khi Jobs qua đời nếu từ trước đến giờ chỉ có mình ông gánh vác mọi công việc. Trên thực tế, Jobs tin tưởng giao phó mảng phát triển công nghệ cho Wozniak trong khi ông làm những việc mình giỏi nhất: Hoạch định chiến lược marketing và tạo lòng tin của khách hàng nơi sản phẩm.
“Một cây làm chẳng nên non” nghe có vẻ sáo rỗng nhưng là sự thật. Nếu bạn không muốn đứng mãi ở vạch xuất phát, bạn cần có một đội ngũ hỗ trợ đồng chí hướng với bạn. Vì vậy, hãy tuyển dụng nhân sự một cách cẩn trọng và để cho nhân viên của bạn làm việc trong lĩnh vực họ tự tin nhất.
Theo: Nhịp sống Kinh tế