“Đừng” làm việc quá chăm chỉ nếu bạn muốn thành công

“Đừng” làm việc quá chăm chỉ nếu bạn muốn thành công

Chăm chỉ là một trong những chuẩn mực quan trọng để đánh giá nhân viên, đặc biệt là những công ty Nhật. Tuy nhiên, quá chăm chỉ đến mức quên ăn, quên ngủ, chỉ biết có công việc chưa hẳn đã là sự đảm bảo cho một sự nghiệp thăng tiến. Thậm chí, chúng còn là nguyên nhân khiến bạn luôn dậm chân tại chỗ, khó có thể chạm tay đến thành công.

Hãy cùng điểm qua một số lý do khiến cho việc bạn dành hơn 12 tiếng đồng hồ ở văn phòng mỗi ngày trở nên vô nghĩa, rồi bạn sẽ nhận ra rằng: cần cù chưa hẳn đã bù được thông minh.

Làm việc quá nhiều sẽ khiến năng suất giảm sút

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng số giờ làm càng dài không những không giúp gia tăng hiệu quả công việc mà ngược lại còn là “liều thuốc độc” khiến hiệu suất làm việc của bạn giảm sút rõ rệt. Khả năng tư duy, lập luận và cả tâm trạng của bạn đều bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Nếu từ trước đến nay, bạn vẫn luôn được biết đến như người cuối cùng rời khỏi công ty thì có lẽ bạn nên suy nghĩ lại. Bạn chỉ đang lãng phí thời gian và tự hại sức khỏe của mình mà thôi. Thay vì kéo dài khoảng thời gian làm việc đến tận đêm khuya, hãy học cách loại bỏ xao nhãng và tập trung 100% cho công việc, hiệu quả sẽ được cải thiện rõ rệt.

Giờ làm việc không tỷ lệ thuận với cơ hội thăng tiến

Sếp của bạn không dựa vào số giờ làm việc để đánh giá xếp loại nhân viên mà họ dựa vào năng lực và thái độ để quyết định ai mới là người xứng đáng để thăng chức. Đừng nghĩ rằng việc thể hiện cho sếp thấy mình là người chăm chỉ sẽ khiến sếp thiện cảm hơn với bạn, lối suy nghĩ sai lầm này thậm chí chính là nguyên nhân khiến bạn không bao giờ có thể thăng tiến nổi. Vì sao ư? Họ sẽ nghĩ rằng bạn làm việc không hiệu quả hoặc không biết cách quản lý thời gian. Cùng một nhiệm vụ được giao, đồng nghiệp của bạn chỉ cần 1 tiếng để hoàn thành rồi ra về đúng giờ, còn bạn thì ngồi mãi đến tận khi trời tối mịt. Sếp của bạn sẽ đặt ra câu hỏi: “Nếu như được thăng chức, không biết cậu ta sẽ ngồi làm việc đến tận mấy giờ nữa đây”. Vậy là, cơ hội vuột tay trong chốc lát.

Tốn nhiều thời gian cho công việc không quan trọng cũng không thể khiến chúng trở nên quan trọng hơn

Nhiều người nghĩ rằng làm việc càng nhiều, giúp đỡ càng nhiều đồng nghiệp thì sẽ được mọi người yêu thương và tôn trọng. Không đúng đâu nhé, khả năng cao là bạn sẽ trở thành “người sai vặt” của cả công ty đấy.

Vì bạn không từ chối bất cứ lời đề nghị nào và luôn ôm hết việc vào người nên đồng nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại và tìm đến nhờ vả bạn cả những công việc không quan trọng.

Giúp đỡ đồng nghiệp không sai nhưng hãy chắc rằng chúng không gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn vì “Sự khác biệt giữa người thành công và người rất thành công đó là người rất thành công thường nói không với gần như tất cả mọi thứ.” – Warren Buffet.

Làm việc nhiều khiến bạn dần “cách ly” với thế giới

Khi tất cả mọi người nghỉ giải lao thì bạn vẫn ngồi tập trung trước bàn làm việc, không nhờ vả hay chia bớt công việc cho ai mà tự mình làm tất cả… Cho dù xuất phát từ tình yêu công việc hay bạn muốn thể hiện trước mặt sếp và đồng nghiệp rằng mình là nhân viên chăm chỉ thì chúng cũng không giúp bạn trở nên đáng ngưỡng mộ hơn đâu. Thậm chí, bạn còn bị mọi người xa lánh.

Đừng từ chối cho phép bản thân mình nghỉ ngơi đôi ba phút giữa giờ bằng cách tham gia vào cuộc trò chuyện của mọi người, đấy là cách hữu hiệu giúp bạn lấy lại năng lượng làm việc và có thêm những mối quan hệ mới.

Nguồn: iconicjob


Ngoan Vu

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com