Bí kíp chốn công sở: Đi làm bị sếp mắng là chuyện "cơm bữa" nhưng đây là cách nhân viên khôn ngoan "sống chung" với cấp trên siêu nóng tính

Bí kíp chốn công sở: Đi làm bị sếp mắng là chuyện "cơm bữa" nhưng đây là cách nhân viên khôn ngoan "sống chung" với cấp trên siêu nóng tính

Bạn luôn cảm thấy rất căng thẳng khi có một người sếp cực kỳ nóng tính? Khi bạn mắc lỗi, bạn cảm thấy vô cùng sợ hãi và không thể tập trung làm bất kì việc gì khác? Khi bị la mắng, bạn rất tức giận, bạn thường không giữ được bình tĩnh và có những phản ứng tiêu cực?

1. "Bào chữa" hay "cãi cùn" khi mắc lỗi là điều hết sức dại dột

Khi bạn mắc lỗi làm ảnh hưởng đến công việc, sếp của bạn có thể sẽ rất tức giận với bạn. Điều này hoàn toàn rất bình thường. Trong trường hợp này, bạn nên chịu trách nhiệm với những lỗi bạn đã gây ra và cam kết sẽ làm tốt hơn để không xảy ra tình trạng đó nữa. Đừng cố "bào chữa" hay "cãi cùn" khi bạn sai vì nó chỉ làm cho tình hình thêm căng thẳng và có thể khiến sếp của bạn càng nóng giận hơn. Thay vào đó, hãy đưa ra một chiến lược rõ ràng về cách bạn khắc phục lỗi và cải thiện công việc.

2. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh": Quan sát và nhận diện "nguồn gốc" của cơn giận

Khi bạn nhận ra sếp của bạn là một người rất "nóng tính" và thường bộc lộ sự nóng giận ngay khi nhân viên làm sai hoặc mắc lỗi, bạn nên để ý về những trường hợp cụ thể khiến sếp bạn như vậy. Qua đó, bạn có thể biết được sếp của bạn sẽ thường nổi nóng về những vấn đề gì. Những thông tin này sẽ giúp bạn tự điều chỉnh bản thân để tránh những cơn giận dữ từ sếp. Với suy nghĩ "phòng bệnh hơn chữa bệnh" thì đây là một công cụ tuyệt vời giúp bạn có thể "từ chối" cơn nóng giận từ sếp trong bất cứ trường hợp nào.

3. Bắt đúng "bệnh", dùng đúng "thuốc"

Một trong những điều quan trọng là bạn phải nhận ra được phong cách làm việc của sếp. Cách sếp làm việc, tương tác với bạn như thế nào? Có giống với cách sếp làm việc và tương tác với những đồng nghiệp khác không? Hãy khéo léo quan sát và so sánh điều này. Nếu bạn nhận ra rằng bạn là người duy nhất "nhận được" những cơn nóng giận từ sếp thì bạn cần giải quyết vấn đề một cách riêng biệt. Bạn có thể tìm kiếm một cuộc trò chuyện riêng với sếp của bạn hoặc nhờ sự trợ giúp của bộ phận nhân sự nếu lựa chọn đầu tiên không hiệu quả.

4. Dùng sự tức giận để "đáp trả" sự tức giận là một quyết định rất tệ hại

Sự tức giận là nét điển hình của bản chất con người trong các tình huống không như ý muốn, không chỉ sếp mà ngay cả bạn cũng vậy. Nhưng điều quan trọng là bạn có thể kiểm soát được sự tức giận của bản thân hay không và kiểm soát nó bằng cách nào?

Dùng sự tức giận để "đáp trả" sự tức giận không những không giúp bạn giải quyết được vấn đề mà còn làm cho những mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên "phớt lờ" hoặc "mặc kệ" những cảm xúc của chính mình. Thay vào đó, hãy tự tìm những cách thiết thực để làm dịu cơn giận của chính bạn. Nghe một bản nhạc, hít một hơi thật sâu, nghỉ giải lao, suy nghĩ tích cực hơn... là những gợi ý tuyệt vời giúp bạn lấy lại sự tập trung trong công việc và tránh oán giận sếp.

5. Đừng "cãi tay đôi", hãy khôn ngoan khi "đối diện" với sếp

Hầu hết mọi người nghĩ rằng: Nhân viên mà "cãi" lại sếp thì chỉ thiệt thân, đặc biệt trong trường hợp sếp là người nóng tính. Nhưng thực chất, không hoàn toàn như vậy. Thiệt thân hay không là do cách bạn "đối diện" với sếp như thế nào?

Trong quá trình làm việc, những mâu thuẫn và bất đồng quan điểm giữa bạn và sếp là hoàn toàn bình thường. Nếu không may bạn bị sếp la mắng, tuyệt đối đừng cãi tay đôi với sếp của bạn. Hãy giữ thái độ ôn hòa, cư xử đúng mực để giữ bình tĩnh trong cuộc "đối đầu". Hãy chọn những từ ngữ tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp khả thi thay vì ra sức cáo buộc sếp đối xử bất công với bạn.

6. Đừng quên: Bạn là ai? và bạn đang ở đâu?

Dù bạn làm công việc gì, bạn cũng nên nắm rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của bạn trong các công việc, hoạt động được giao. Điều này giúp bạn xác định được các vấn đề có thể xảy ra mâu thuẫn với sếp hoặc có thể bị sếp la mắng. Từ đó, tìm ra giải pháp để cải thiện nó trong tương lai.

7. Thực hiện tốt công việc được giao – Chiến lược trên cả tuyệt vời để "từ chối" sự nóng giận của sếp

Một trong những chiến lược hiệu quả để "đối phó" với những vị sếp "nóng tính" đó là cố gắng thực hiện tốt các công việc được giao. Bạn hoàn thành tốt các công việc của mình cũng có nghĩa bạn đã "loại bỏ" tất cả các lý do có thể khiến bạn bị sếp la mắng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng hiệu suất làm việc tuyệt vời của mình như một phương tiện bảo vệ chính bản khỏi sự giận dữ từ sếp của bạn.

Nguồn: cafef


Ngoan Vu

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com