6 sai lầm phổ biến trong quá trình tuyển dụng
Tuyển dụng không chỉ là chọn đúng người cho công việc mà còn là thu hút và đảm bảo đó là ứng viên giỏi nhất, có giá trị phù hợp với sứ mệnh và nguyên tắc của công ty. Vì vậy, có một chiến lược tuyển dụng hiệu quả là điều rất quan trọng đối với các công ty thuộc mọi quy mô. Là người quản lý tuyển dụng, trước khi tiến hành tìm kiếm nhân viên, hãy tránh 6 lỗi phổ biến sau đây nhé!
1. Bó hẹp phạm vi tuyển dụng
Sự đa dạng về tuổi tác, kinh nghiệm, nền tảng, tính cách, giới tính của nhân viên sẽ mang lại sự đa dạng trong tư tưởng, suy nghĩ. Điều này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp thành công hơn , duy trì được sự phát triển và tăng trưởng. Do đó, một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình tuyển dụng là không có sự đa dạng các ứng viên, tức chỉ chọn những người ở một số tuổi, tính cách, giới tính... nhất định. Ngoài việc tự giới hạn tiềm năng nguồn nhân lực thì sự hạn chế này còn gián tiếp khiến môi trường làm việc trở nên nhàm chán, đơn điệu. Vì vậy, đừng tìm ai đó giống chính xác như bạn hoặc những người còn lại trong doanh nghiệp mà hãy can đảm tìm người thách thức bạn - một quan điểm khác biệt có thể tạo ra sự đột phá lớn cho công ty và đội nhóm của bạn.
2. Thiếu hiểu biết về vị trí tuyển dụng
Hiểu sai lệch hoặc không rõ ràng về công việc (các kỹ năng, yêu cầu...) có thể dẫn đến khả năng tuyển nhầm người. Do đó, bạn cần lập danh sách trách nhiệm công việc và các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mà ứng viên cần có để thực hiện các nhiệm vụ đó theo mong đợi của bạn. Bằng cách có một hình dung rõ ràng về những gì cần thiết sẽ giúp bạn dễ dàng hơn khi xem xét các kỹ năng đó trong các ứng viên.
3. Quên làm nổi bật văn hóa công ty
Khi được phỏng vấn, chắc chắn những ứng viên có thực tài sẽ quan tâm rất nhiều đến nét đặc trưng, độc đáo của công ty chủ quản. Vì vậy nếu muốn thu hút được họ thì nhà tuyển dụng không thể quên việc phải giới thiệu những nổi bật trong văn hóa công ty đến các ứng viên bao gồm lợi ích, mức lương, quyền lợi đặc biệt và tính linh hoạt. Đây là bước đi thông minh giúp tuyển dụng được những con người thực sự có tài năng, tâm huyết. Thông qua việc được cung cấp các ưu đãi, ứng viên sẽ có cái nhìn đầy thiện cảm đối với doanh nghiệp đồng thời cảm nhận được sự tôn trọng của doanh nghiệp với những mưu cầu, quan tâm của ứng viên đối với môi trường làm việc.
Ngoài ra, giá trị của công ty phải phù hợp với giá trị đạo đức của ứng viên, tạo ra một nền văn hóa mà các thành viên ở đó đều tự hào. Nếu công ty của bạn đã nhận được những phản hồi không hay bởi các hành vi tiêu cực trong quá khứ, hầu hết các ứng viên đều sẽ không muốn hợp tác với bạn.
4. Quá tin tưởng vào ấn tượng ban đầu
Một số nhà tuyển dụng thường xuyên đánh giá các ứng cử viên dựa trên việc có thích họ hay không, mà bỏ qua việc đối chiếu khả năng của ứng viên với trách nhiệm của vị trí. Mặc dù không thể chắc chắc một nhân viên mới sẽ làm việc hiệu quả như thế nào sau khi được tuyển, nhưng có thể giảm thiểu rủi ro của việc thuê người kém năng lực bằng cách không để ấn tượng đầu tiên “lấn át” khi đưa ra quyết định.
Một cái bắt tay vững chắc và giao tiếp bằng mắt tốt có thể là những biểu hiện tốt nhưng điều đó không nói lên rằng họ là người bạn đang tìm kiếm. Đừng chỉ sử dụng cuộc phỏng vấn để đưa ra đánh giá tốt hay xấu về ứng viên mà cần kết hợp với nhiều khía cạnh khách quan khác để có quyết định phù hợp nhất.
5. Bỏ qua các phương tiện truyền thông xã hội
Không có sự hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội hoặc trang web nội bộ không được cập nhật thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sự đánh giá của ứng viên khi tìm hiểu thông tin về công ty của bạn. Chẳng hạn, dòng thời gian trên các mạng xã hội hoăc trang web sản phẩm, dịch vụ của công ty bị bỏ quên vài tuần, thậm chí vài tháng trước có thể là dấu hiệu cảnh báo người tìm việc rằng bạn lười biếng, không tương tác với khách hàng và không liên lạc được – 3 điều khiến bạn gặp khó khăn khi muốn thu hút các tài năng tốt nhất.
6. Công nghệ lạc hậu
Người lao động muốn cảm thấy họ đang ở một doanh nghiệp cạnh tranh hơn là một “con phố chết”. Do đó, để tuyển dụng và giữ chân nhân tài, bạn cần theo kịp các tiến bộ kỹ thuật. Việc mua các thiết bị công nghệ chất lượng cao cần thiết nên được xem là một khoản đầu tư, chứ không phải là sự lãng phí tiền bạc. Các phần mềm chất lượng hàng đầu có thể giúp tăng năng suất làm việc của nhân viên và giúp họ học các kỹ năng mới, điều này chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.