5 BÀI HỌC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ ĐẮT GIÁ CHO MỌI START-UP

5 BÀI HỌC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ ĐẮT GIÁ CHO MỌI START-UP

Hầu hết các startup đều cảm thấy khó khăn không phải đến từ đối thủ, khách hàng hay áp lực doanh số mà chính là vấn đề nhân sự. Một cái cây muốn phát triển xanh tốt cần dưỡng chất và hơn hết là các cơ quan chức năng vận hành phối hợp nhịp nhàng. Doanh nghiệp cũng vậy. Khi quản trị con người hiệu quả thì tinh thần đoàn kết mạnh mẽ sẽ trở thành “ mũi giáo” lợi hại để chinh phục thành công.

1.Kế hoạch tuyển dụng cần phải chuẩn bị kĩ lưỡng từ sớm

Khi startup được hình thành, các founder là những người “đa nhiệm” khi lấn sân sang nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, việc “cày ải” này chỉ là biện pháp khởi sự tạm thời. Về sau, khối lượng công việc bùng nổ sẽ khiến các founder phải tuyển thêm nhân sự nếu không muốn chìm trong “biển việc”.

Tuy nhiên, các founder trẻ thường ít kinh nghiệm quản trị thực tế, cũng như tập trung quá nhiều vào dự án startup nên bỏ lơ ít nhiều mảng nhân sự. Vì thế kế hoạch tuyển dụng thường kém hiệu quả bởi các lý do như: thời gian tuyển chọn thiếu hợp lý; không tận dụng triệt để các nguồn cung chất lượng; phỏng vấn đơn điệu chưa phản ánh đúng trình độ chuyên môn. Do vậy, việc tuyển dụng cần chuẩn bị tỉ mỉ trước từng giai đoạn phát triển của startup nhằm tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

2.Tuyển dụng quyết đoán, sa thải khéo léo

Nhanh chóng giật lấy ứng viên tiềm năng, hoặc sa thải nhân viên kém cỏi là chuyện cấp bách với startup. Bởi mỗi dự án đều có những “thời cơ vàng” nhất định nên chỉ cần bỏ lỡ vì tiềm lực nhân sự không đảm bảo, thì startup sẽ khó bắt kịp đà tăng trưởng.

Vì thế, đội ngũ sáng lập cần quyết đoán khi tuyển dụng ứng viên sáng giá, hoặc nhanh chóng thôi việc với nhân viên/ nhà đồng sáng lập không được việc. Ngoài ra, việc chiêu dụ nhân tài trở nên dễ dàng hơn, hoặc việc tạm biệt nhân viên sẽ diễn ra êm đẹp, khi các founder thật sự khéo léo và tinh tế trong cách ứng xử.

3.Đầu tư xây dựng văn hóa startup khác biệt, sáng tạo

Điều gì khiến các nhà đầu tư muốn đổ tiền vào dự án, và động cơ nào thúc đẩy những nhân viên nhiều kinh nghiệm sẵn sàng cống hiến dù tương lai startup còn bỏ ngỏ? Câu trả lời một phần nằm ở văn hóa startup.

Một startup có môi trường quy tắc, tư duy làm việc nổi trội sẽ dễ dàng cuốn hút nhân tài, nâng cao tinh thần nội bộ, cũng như gây ấn tượng với nhà đầu tư. Tuy nhiên, sẽ không có công thức mẫu nào cho kiểu văn hóa startup điển hình vì điều này lệ thuộc vào nhiều yếu tố như: đồng phục, cách thức diễn ra các cuộc họp, những buổi hội nhóm sau giờ làm, cơ sở vật chất,… Do đó, các founder sẽ cần phải dùng rất nhiều “phép thử” khác nhau để tìm ra một văn hóa doanh nghiệp đặc trưng độc đáo và hòa hợp tất cả mọi người.

4.Luôn chú trọng vào mảng phát triển chuyên môn nhân sự

Việc thuê bên thứ ba, hoặc các hợp đồng nhân viên thời vụ nhằm giải quyết vấn đề ngắn hạn là tốt, nhưng đây không phải là hướng đi lâu dài cho startup. Sức mạnh nội bộ chỉ phát huy hiệu quả một cách tốt nhất khi mọi người vừa đồng tâm, nhưng cũng phải đồng sức tương đương nhau.

Do đó, đội ngũ quản trị cần đề ra các kế sách phát triển trình độ chuyên môn lâu dài của nhân viên như cho phép tham gia các buổi tọa đàm, chương trình đào tạo ngắn ngày. Bên cạnh đó, các founder cũng cần phải nỗ lực cải thiện bản thân liên tục để trở thành “tấm gương sáng” quan trọng cho toàn thể nhân viên.

5. Coi trọng quyết định tập thể

Cuối cùng, đây là điều mà hầu hết các nhà quản trị đều gặp phải đó chính là tính chủ quan cá nhân. Bởi vì các founder thường còn khá trẻ nên cách quản trị nhân sự chủ yếu dựa trên kinh nghiệm là chính. Do đó, các thành viên chủ chốt của startup sẽ dễ đưa ra những phán xét, quyết định thiếu khách quan, thậm chí có phần độc đoán.

Có thể các founder là người tạo ra “đứa con” startup nhưng không đồng nghĩa rằng họ đúng trong mọi việc và các quyết định luôn sáng suốt. Vì vậy, trước khi đưa ra bất kì quyết định cuối cùng nào, các founder nên cân nhắc các ý kiến, đề xuất của tập thể nhân viên nhằm thể hiện tính công bằng. Tuy nhiên tùy vào trường hợp thông thường hay khẩn cấp, mà startup cần linh hoạt trong việc ra các “chốt hạ”.

Cân nhắc yếu tố nhân sự như là một vấn đề “sống còn”

5 bài học trên đây chỉ là một trong số ít đúc kết kinh nghiệm nhân sự quý báu cho các startup tương lai. Điều quan trọng là đội ngũ sáng lập cần xách định rõ con người là một trong những yếu tố “sống còn”. Do vậy, kế hoạch xây dựng nhân sự cần được chăm chút chỉn chu và có lộ trình phát triển dài hạn thấu đáo. Chắc chắn khi các “bánh răng” thành viên chạy nhịp nhàng, thì “con tàu” startup sẽ về đích vào một ngày không xa.

Nguồn: pgsm edu


Ngoan Vu

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com