4 bước tạo dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả từ con số 0
Nhân viên của bạn không nên cảm thấy việc đến công ty vào mỗi buổi sáng là một cực hình, thay vào đó, họ nên cảm thấy tràn đầy động lực khi làm việc với các đồng nghiệp và cấp trên. Đôi lúc công việc có thể trở nên khó khăn, nhưng không khí tại công ty không nên tăng thêm gánh nặng cho họ. Thật ra, môi trường làm việc nên là nguồn cảm hứng lớn cho nhân viên, đồng thời cũng là động lực để công việc được hoàn thành trọn vẹn nhất.
Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình và có giá trị cao với chính công ty ấy. Nó định nghĩa hành vi, hành động cũng như niềm tin của nhân viên. Văn hóa nơi công sở có thể giúp gầy dựng hoặc phá vỡ công ty.
làm thế nào để bạn tạo ra một môi trường hiệu quả nếu bạn vốn không quen với khái niệm văn hóa doanh nghiệp?
4 bước để xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc
Trong một nghiên cứu gần đây do Bain & Company thực hiện trên 365 công ty trên khắp Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ, 81% số người tham gia đồng ý rằng văn hóa kém sẽ tác động tiêu cực đến tổ chức và dẫn tới năng suất thấp. Trong số 365 công ty này, chưa đến 10 phần trăm thành công trong việc xây dựng văn hóa công sở tích cực.
Cách thức xây dựng văn hoá công ty có thể khác nhau tùy theo văn hóa mỗi nước, nhưng nhìn chung, mục đích xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhằm đảm bảo nhân viên cảm thấy hạnh phúc, thúc đẩy cải thiện năng suất và nhân viên gắn bó lâu dài hơn với công ty.
Hãy cùng xem xét một vài bước cơ bản và những yếu tố cần thiết mà một môi trường làm việc tích cực nên có.
Bước 1: Đặt ra nền móng
Là một nhà lãnh đạo, bạn cần có cái nhìn tổng thể về hình mẫu mà công ty hướng đến. Hãy bàn bạc với các lãnh đạo khác và thảo luận chuyên sâu về việc đặt ra nền tảng vững chắc nhằm tạo dựng văn hóa phù hợp với các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Hãy bắt đầu bằng cách trả lời những câu hỏi sau:
- Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào?
- Các mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của nhân?
- Bạn muốn công ty mình được nhìn nhận như thế nào? Được xem như một nguồn cảm hứng, sở hữu nền văn hóa nơi luôn khuyến khích nhân viên đưa ra ý tưởng mới, một nền văn hóa đề cao các nhân viên chăm chỉ hay môi trường công ty trân trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Bằng cách trả lời các câu hỏi trên, bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về những giá trị mà công ty của bạn đang tìm kiếm.
Bước 2: Tuyển dụng các nhân viên có khả năng bổ sung lẫn nhau
Sau khi đề ra các quy tắc văn hóa nơi công sở, bạn sẽ muốn tuyển dụng những nhân viên biết tôn trọng và tuân theo những thành quả mà bạn đã tạo nên. Và chắc hẳn rằng bạn sẽ gặp những nhân viên hay gây rắc rối hoặc những nhân viên giỏi nhưng khó chiều, vậy bạn nên giữ họ hay để họ đi?
Bạn sẽ có xu hướng tuyển dụng những ứng cử viên có cùng niềm tin hoặc đề cao những giá trị tương tự như bạn, nhưng thật ra, một đội ngũ nhân viên đa dạng quan điểm sẽ đưa ra vô số những ý tưởng rất đáng chú ý.
Hãy bổ sung và hoàn thiện nền kiến thức hoặc các kỹ năng và nâng cao văn hóa doanh nghiệp của bạn bằng cách tuyển dụng và tạo điều kiện để những người có khả năng bổ sung cho nhau làm việc trong cùng một nhóm.
Bước 3: Định nghĩa những giá trị của công ty và đưa chúng vào thực tiễn
Hầu hết các công ty đều cố gắng xác định giá trị cốt lõi của mình, hoặc thường thì họ chỉ chọn những giá trị chung chung. Nhiều người còn bỏ qua chúng hoàn toàn.
Công việc này không dễ dàng và cũng không có sẵn những khuôn mẫu để áp dụng với mọi doanh nghiệp. Giá trị cốt lõi của công ty, giống như văn hóa của họ, là độc nhất và có thể trở thành lợi thế cạnh tranh cho công ty nếu được thực hiện đúng đắn.
Quá trình xác định giá trị của một công ty là cơ hội tốt để gia tăng sự gắn bó của nhân viên với công ty. Bằng cách cho cả công ty tham gia vào quá trình trên, bạn sẽ tạo cho nhân viên cơ hội đưa ra ý kiến của mình để giúp việc định hình công ty.
Một khi đã liệt kê được những giá trị phù hợp, bạn phải đảm bảo rằng chúng gắn liền với hoạt động kinh doanh hàng ngày. Từ quá trình tuyển dụng đến quá trình ra quyết định, cả quyết định của các lãnh đạo cũng phải được căn chỉnh với các giá trị đã được đặt ra.
Ví dụ, nếu tổ chức của bạn xem trọng các ý tưởng mới thì văn phòng hoặc chỗ ngồi của quản lý nên đặt ở nơi dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, doanh nghiệp của bạn cũng nên thiết kế môi trường làm việc truyền cảm hứng cho nhân viên. Hơn nữa, các ý tưởng của nhân viên nên được ghi nhận bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu một cách dễ dàng.
Bước 4: Đánh giá và điều chỉnh văn hóa công ty thường xuyên
Các giá trị cốt lõi và văn hoá của công ty cần được phát triển và điều chỉnh liên tục để phù hợp với sự thay đổi trong chính sách, nhân viên công ty hoặc từ các yếu tố bên ngoài.
Phương pháp phổ biến nhất là thực hiện khảo sát hàng năm, tạo cơ hội để nhân viên phản hồi về các giá trị của công ty, đánh giá sự phù hợp của chúng với hoạt động hàng ngày và với giá trị của nhân viên. Các bài khảo sát cũng là cách tuyệt vời để xác định các vấn đề hiện có/ có thể xảy ra trong tổ chức cần được chú ý.
Một khi bạn đã đặt ra nền tảng cho các giá trị và văn hoá làm việc của công ty, bạn phải liên tục theo dõi và duy trì chúng. Đừng ngại thay đổi văn hóa công ty nếu bạn thấy cần thiết. Đã có những trường hợp các công ty thành công trong việc tạo ra nền văn hoá tích cực trong khi những công ty khác lại thất bại. Hãy là phần thiểu số thành công ấy và tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty của bạn bằng cách sở hữu giá trị công ty bền vững và duy trì nền văn hóa mạnh mẽ.
Nguồn: trginternational