Ý tưởng kinh doanh tốt, khả năng lãnh đạo giỏi nhưng doanh nghiệp của bạn vẫn không làm hài lòng các nhà đầu tư, nguyên nhân là do đâu?
Ý tưởng hôm nay là chiến thắng ngày mai. Ý tưởng được thực hiện một cách xuất sắc cùng với sự đầu tư đúng đắn sẽ là bước đệm vững chắc cho sự thành công của doanh nghiệp bạn trong tương lai, đó là tư duy kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn như Apple, Google, McDonald, Amazon... đã sử dụng cho hành trình phát triển của mình.
Nhưng tại sao mặc dù những ý tưởng của bạn tưởng chừng như đã quá tuyệt vời, đầy hứa hẹn sẽ là nền tảng vững chắc cho việc kinh doanh của công ty, thế nhưng khi bắt đầu kêu gọi nhà đầu tư thì thứ bạn nhận lại chỉ là sự im lặng và từ chối? Tại sao các nhà đầu tư ngần ngại đổ tiền vào doanh nghiệp của bạn? Mọi thứ đều có lý do của nó, những thứ bạn tưởng như là hoàn hảo đối với việc kinh doanh của mình nhưng thực ra lại còn thiếu vài thứ khiến các nhà đầu tư chùn bước khi quyết định đổ vốn, hãy cùng tìm hiểu xem đó là những thiếu sót nào mà bạn cần phải củng cố.
Không hiệu quả hoặc thiếu phẩm chất lãnh đạo
Ý tưởng kinh doanh không hiệu quả là yếu tố quan trọng nhất kéo sự thành công của một doanh nghiệp xuống con số 0, thậm chí là số âm nếu như không nhận ra kịp thời. Điều này cũng có thể được gọi là thiếu phẩm chất lãnh đạo.
Các nhà đầu tư luôn muốn đảm bảo rằng họ không bị mất tiền một cách vô ích thông qua một công ty có mô hình kinh doanh đầy phi thường nhưng không có nhà lãnh đạo kinh doanh hiệu quả, lành nghề để phát triển để làm cho nó thành công và phát triển. Chính vì thế nên khi kêu gọi các nhà đầu tư, bạn cần đưa ra một triển vọng rõ ràng cùng một bảng kế hoạch chi tiết về việc thực hiện các mục tiêu để họ có thể thấy được bạn là một người có năng lực như thế nào trong công cuộc chèo lái công ty trong tương lai.
Thiếu sự tin cậy
Một nhà đầu tư khi quyết định đổ vốn vào một doanh nghiệp thường dựa trên cơ sở uy tín và sự đáng tin cậy của doanh nghiệp đó. Đây là lý do vì sao ngoài việc có một kế hoạch kinh doanh hợp lý với các mục tiêu rõ ràng thì bạn cũng cần phải thiết lập tính toàn vẹn về việc bảo mật số tiền của các nhà đầu tư và cách họ đầu tư vào doanh nghiệp mình như thế nào cùng các chiến lược kinh doanh của các nhà đầu tư đề ra khi bỏ vốn vào doanh nghiệp của bạn.
Nếu một nhà đầu tư có cảm giác rằng startup có thể không có đủ khách hàng để thực hiện các khoản nợ tài chính của mình hoặc doanh nghiệp của bạn đang che giấu một số thông tin, điều đó sẽ khiến cho lòng tin của họ bị giảm xuống đáng kể. Chính vì thế, việc hoàn toàn minh bạch và thiết lập niềm tin của thương hiệu kinh doanh là một điều rất quan trọng để nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư.
Thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh
Bạn có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời được hỗ trợ bởi một kế hoạch kinh doanh hợp lý cùng sự tin cậy vững chắc dựa trên sự minh bạch của công ty, nhưng bạn lại không có kinh nghiệm trong việc quản lý một doanh nghiệp.
Đây là một lý do nghiêm trọng để một nhà đầu tư từ chối đổ tiền vào doanh nghiệp của bạn. Họ không thể bỏ tiền của mình vào chỉ để cho bạn sử dụng số tiền đó để học hỏi, trau dồi khả năng lãnh đạo của mình. Điều này sẽ khiến cho các nhà đầu tư rất không ưng ý vì việc thiếu kinh nghiệm quản lý của bạn chính là một yếu tố rủi ro lớn cho tương lai của doanh nghiệp sau này, chính vì thế, chẳng dại gì họ lại đầu tư vào một công ty tiềm tàng đầy rủi ro như thế.
Mô hình kinh doanh không đủ tiếng vang
Bạn có một ý tưởng kinh doanh, một chuyên gia tư vấn hiệu quả, một nhà lãnh đạo có năng lực và kinh nghiệm quản lý cùng một ấn tượng tuyệt vời về sự tin cậy đối với các nhà đầu tư. Thế nhưng mọi thứ giữ chân các nhà đầu tư lại khiến họ chùn bước khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp bạn đó là chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh của bạn, chúng không đủ độ vang để cạnh tranh lại với thị trường và không đủ khả năng để tăng trưởng trong tương lai.
Trong hầu hết các trường hợp, một mô hình kinh doanh sẽ là điều khiến cho một nhà đầu tư suy nghĩ hai lần và họ sẽ lùi bước nếu mô hình kinh doanh của bạn không đủ thu hút. Chính vì thế, nên nhớ rằng, mô hình và chiến lược kinh doanh của bạn sẽ quyết định làm thế nào để công ty và sản phẩm của bạn có thể cạnh tranh lại với thị trường và xa hơn là sẽ trở thành người chiến thắng trên thương trường đầy khốc liệt đó.
Cách tiếp cận các nhà đầu tư
Một sai lầm lớn đối với nhiều doanh nghiệp mới đó chính là nghĩ rằng chỉ cần tự tin vào tiềm năng cùng mô hình kinh doanh vững chắc và triển vọng trong tương lai thì doanh nghiệp đã có thể dễ dàng thu hút các nhà đầu tư. Nhưng thực tế bên ngoài không hề đơn giản như thế, để nhà đầu tư biết đến ý tưởng kinh doanh của bạn, thì bạn cần phải đưa ý tưởng đến cho họ. Thế nhưng việc tiếp cận và đưa ý tưởng như thế nào để các nhà đầu tư biết đến bạn, đó mới chính là vấn đề cốt lõi.
Đây là lý do vì sao nếu không có sự chuẩn bị đúng đắn và tỉ mỉ thì bạn sẽ trở thành "tên ngốc" khi cố tiếp cận các nhà đầu tư. Hầu hết các nhà đầu tư đều sẽ nhận hàng trăm mail mỗi ngày vì thế nếu bạn tiếp cận họ bằng cách thông qua các phương tiện xã hội như vậy thì họ cũng sẽ lạnh lùng cho qua mà thôi. Lời khuyên đưa ra là bạn nên gửi cho các nhà đầu tư các đề xuất thật chi tiết, nếu được thì nên nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người có mối liên hệ với họ hay lời giới thiệu từ những tổ chức uy tín, như vậy bạn sẽ dễ lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư hơn.
Nhắm mục tiêu vào sai nhà đầu tư
Mỗi doanh nghiệp đều có một danh sách các khách hàng mục tiêu đúng không? Không phải tất cả các khách hàng đều quan tâm đến mọi sản phẩm trên thị trường. Tương tự như vậy, không phải tất cả các nhà đầu tư đều quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh cùng ý tưởng của bạn. Thường thì họ sẽ dựa trên kinh nghiệm của mình với các ngành nghề mình từng trải và quyết định đổ tiền vào các doanh nghiệp và lĩnh vực mà họ nắm rõ như lòng bàn tay để hạn chế những rủi ro lớn nhất.
Vì vậy, nhắm mục tiêu vào một nhà đầu tư không có hứng thú với doanh nghiệp của bạn thì sẽ chỉ hao tốn năng lượng và mang lại sự thất vọng, chán nản không cần thiết mà thôi. Nên nhớ rằng, khi muốn tiềm kiếm nhà đầu tư cho phần mềm máy tính mới của mình thì đừng chăm chăm vào các nhà đầu tư chuyên kinh doanh bất động sản, điều này hoàn toàn không tương xứng và bảo đảm tỉ lệ phần trăm thất bại sẽ lớn gấp nhiều lần so với rủi ro kinh doanh của bạn.
Rõ ràng tìm kiếm một nhà đầu tư cho một doanh nghiệp mới không phải là một nhiệm vụ dễ dàng mà còn cần phải xem xét đến sự cạnh tranh rất lớn mà doanh nghiệp cần phải đối phó. Nhưng nếu ý tưởng kinh doanh của bạn là duy nhất và bạn đang thực hiện đúng với mọi yêu cầu ở bên trên thì việc lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư sẽ không còn quá xa xôi như bạn vẫn tưởng nữa.
Theo Trí thức trẻ