TÁC ĐỘNG CỦA RỦI RO TÀI CHÍNH ĐẾN DOANH NGHIỆP
Rủi ro tài chính có thể dẫn doanh nghiệp đến nguy cơ “đột tử”. Tại sao tác động của rủi ro tài chính lại lớn như vậy? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
1/ Tác động rủi ro tài chính đến chi phí của doanh nghiệp
Tác động rủi ro tài chính đến chi phí của Doanh nghiệp thể hiện ở 3 khía cạnh: Chi phí huy động vốn (hay chi phí sử dụng vốn), chi phí kinh doanh và chi phí khó khăn tài chính của Doanh nghiệp.
Đối với chi phí huy động vốn
Chi phí sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng nếu rủi ro tài chính cao. Bởi khi đó các nhà tài trợ hay đầu tư vốn vào doanh nghiệp sẽ tính toán phần bù đắp rủi ro.
Đối với chi phí kinh doanh
Chi phí kinh doanh sẽ gia tăng khi rủi ro tài chính tăng. Những khoản chi phí kinh doanh phát sinh do có rủi ro tài chính như: Chi phí tăng thêm từ giá cả nguyên vật liệu, lãi vay, từ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong kinh doanh; các chi phí thiệt hại về tài sản có rủi ro; các chi phí để khắc phục, bồi thường hay xử lý những tổn thất do rủi ro mang lại.
Đối với chi phí khó khăn tài chính
Đặc biệt, nếu Doanh nghiệp lâm vào tình trạng suy thoái, phá sản còn xuất hiện các chi phí khókhăn tài chính, bao gồm: Các chi phí khó khăn tài chính trực tiếp liên quan đến thực hiện phá sản DN và các chi phí khó khăn tài chính gián tiếp như mất thị trường, mất khách hàng, chảy máu chất xám, mất thương hiệu… làm cho giá trị Doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm.
2/ Tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận của doanh nghiệp
Khi đầu tư vào một dự án doanh nghiệp sẽ xem xét lợi nhuận đem lại có tương xứng với rủi ro gặp phải không? Xét về lý thuyết thì rủi ro càng cao lợi nhuận càng lớn. Nếu doanh nghiệp không quản trị tài chính dự án hiệu quả thì những rủi ro về lâu dài có thể gây “xói mòn” lợi nhuận. Rủi ro tài chính có thể xảy ra dẫn đến gia tăng ngày một nhiều những chi phí không hiệu quả của dự án, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận của doanh nghiệp có thể xem xét ở nhiều góc độ khác nhau dưới đây:
Đối với giảm giá hàng hóa, dịch vụ đầu ra của doanh nghiệp
Nếu giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ biến động bất lợi, giảm thấp dưới giá thành sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí thua lỗ và ngược lại. Rủi ro tài chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận thực hiện của doanh nghiệp.
Đối với đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận trước thuế, lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Sử dụng đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính sẽ vô dụng nếu doanh nghiệp quản lý chi phí kinh doanh, vốn kinh doanh kém hiệu quả. Điều này làm cho lợi nhuận doanh nghiệp, lợi nhuận vốn chủ sở hữu ngày càng giảm sút. Rủi ro tài chính trong việc sử dụng đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính sẽ tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Đối với rủi ro tín dụng thương mại, rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp
Nếu Doanh nghiệp để khách hàng chiếm dụng vốn quá hạn từ bán chịu hàng hóa, hoặc quản trị dòng tiền không tốt sẽ gây nên tình trạng thiếu vốn kinh doanh, vốn luân chuyển chậm, không bảo toàn được vốn, mất khả năng thanh toán nợ… Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
3/ Tác động của rủi ro tài chính đến hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Nếu tình hình tài chính lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt và tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như các rủi ro trong thanh toán nợ phải trả đến hạn, ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ và rủi ro phá sản trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng uy tín và tầm ảnh hưởng.
4/ Tác động của rủi ro tài chính đến giá trị doanh nghiệp
Rủi ro tài chính làm dòng tiền sụt giảm sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Rủi ro gia tăng dẫn đến nhà đầu tư đòi hỏi tỷ suất sinh lời cao để bù đắp. Tất cả đều ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó với những tác động của rủi ro tài chính. Phản ứng của thị trường rất nhanh nhạy với tình hình biến động của thế giới. Nếu doanh nghiệp không có khả năng quản trị rủi ro tốt thì không thể bắt kịp với những thay đổi từng phút từng giây của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, điều quan trọng là rủi ro tài chính phải được nhận diện, xác định và quản trị thích hợp.