[Quy tắc đầu tư vàng] Cách Jordan Belfort trở thành "Sói già phố Wall" khi mới 27 tuổi
Jordan Belfort, một cựu môi giới cổ phiếu, trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ ở tuổi 27 và là hình mẫu để xây dựng nhân vật chính trong bộ phim "Sói già phố Wall"…
"Sói già phố Wall" - một trong những bộ phim ăn khách nhất màn ảnh liên quan đến lĩnh vực tài chính - kể về một tay môi giới cổ phiếu giá trị thấp từ Long Island đã suýt chút nữa làm sụp đổ cả phố Wall vào thập niên 90, dính líu đến giới ngân hàng và cả các băng đảng mafia. Nhân vật chính của bộ phim - Jordan Belfort, do Leonardo DiCaprio thủ vai, thực tế là một hình mẫu có thật và cái tên "Sói già phố Wall" được trao cho ông từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
Biệt danh "Sói già phố Wall" được giới đầu tư chứng khoán Mỹ đặt cho Jordan Belfort khi ông mới chỉ 27 tuổi nhưng đã sở hữu một công ty môi giới chứng khoán lớn nhất nước Mỹ. Hơn 30 tuổi, ông trở thành ông chủ giàu sang bậc nhất phố Wall với nhiều tài sản như biệt thự, du thuyền, máy bay riêng, trực thăng, siêu xe...
Belfort được sinh ngày 9/7/1962 ở vùng Bronx thuộc thành phố New York, và lớn lên ở Bayside, Queens, Mỹ trong một gia đình Do Thái Mỹ. Từ những năm 16 tuổi, Belfort đã sớm bộc lộ khả năng kinh doanh khi hợp tác với người bạn thủa thơ ấu kiếm được rất nhiều tiền nhờ bán kem cho khách du lịch tại bãi biển địa phương. Từ đó, ông cảm thấy rất hứng thú với công việc kinh doanh và bắt đầu xây dựng sự nghiệp sau khi học xong Đại học American.
Sự nghiệp tại phố Wall của Belfort bắt đầu với công việc môi giới chứng khoán tại L.F.Rothschild. Ngày 19/10/1987 - mốc lịch sử mà ngày nay vẫn được gọi tên là "ngày thứ hai đen tối", Phố Wall lao dốc không phành, Belfort cũng trở thành kẻ thất nghiệp như nhiều đồng nghiệp khác trên con phố tài chính sầm uất nhất hành tinh.
Tuy nhiên, quãng thời gian đi làm môi giới đã giúp Belfort nhận ra một vấn đề, thị trường tràn ngập những cổ phiếu rác, những cổ phiếu penny với mức giá rẻ mạt. Vì vậy, ông quyết định gọi điện thoại tớ những người giàu, và hứa hẹn với họ về tương lai kiếm được bộn tiền khi đầu tư vào những cổ phiếu rác. Thực chất, chúng chẳng khác gì đống giấy lộn nhưng vấn đề là Belfor đã bán được chúng. Cuộc gọi mời chào đầu tiên, ông chốt được 4.000 USD với giá cổ phiếu chưa đến 1 USD.
Bảy tháng sau đó, Belfort thành lập công ty riêng với đội ngũ nhân viên gồm 13 người với công việc bán những cổ phiếu chẳng ai đoái hoài đến cho những người giàu. Và điều mà không ai nghĩ đến đã xảy ra, công ty này đã thành công rực rỡ. Nhân viên bán hàng giỏi nhất của Jordan Belfort đã bán được tổng cộng 120.000 USD trong những năm đầu tiên. Ở tuổi 26 tuổi, Belfort có thể kiếm được gần 1 triệu USD trong một tuần và đỉnh điểm là một lần kiếm được 12,5 triệu USD chỉ sau 3 phút giao dịch. Từ đó biệt danh "Sói già phố Wall" ra đời.
Từ những năm 1990, Belfort với vai trò là một nhà môi giới chứng khoán đã đạt mức thu nhập mỗi năm trên 50 triệu USD, biến công ty môi giới chứng khoán Stratton Oakmont chỉ từ trị giá 30 triệu USD ban đầu trở thành công ty trị giá 1,5 tỷ USD với hơn hơn 1.000 nhân viên.
Theo Jordan, để thành công thì trước hết phải bán hàng giỏi. Ông cho rằng có đến 95% công ty, doanh nghiệp thất bại cũng vì lý do này. Không phải họ không có những ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ tốt mà vì họ không thể hay không biết làm thế nào để bán hàng hoặc từ chối việc bán hàng. Bên cạnh đó khả năng truyền cảm hứng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Những người đã tiếp xúc với Jordan đều nhận thấy ông có thể thúc đẩy gần như mọi cá nhân dù ở hoàn cảnh nào, trang bị cho họ những kỹ năng để đạt được các mục tiêu mà họ chưa bao giờ mơ có thể đạt được.
Tuy nhiên con đường kinh doanh của ông không chỉ có hoa hồng mà còn những khi từ đỉnh vinh quang rơi xuống đáy sâu thất bại.
"Chẳng có gì sai khi bạn sở hữu kỹ năng sống và kinh doanh quan trọng nhất là biết bán hàng, thậm chí là bán chính bản thân mình và bạn buộc phải sở hữu nó. Tôi đã sử dụng thành thạo những bí quyết này khi mới có 26 tuổi và rồi tôi bị lạc lối", Jordan Belfort chia sẻ.
Năm 1998, sau quá trình điều tra của cơ quan chức năng, công ty của Belfort đã phải đóng cửa. Jordan Belfort bị kết án về tội gian lận liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán và điều hành một trung tâm tư vấn như một phần của loại lừa đảo cổ phiếu. Ông đã trải qua 22 tháng trong nhà giam Liên bang trước khi được tha bổng trước thời hạn. Sau khi ra tù Belfort đã cho ra đời 2 tác phẩm mang tên The Wolf of Wall Street (Sói già Phố Wall) và Catching the Wolf of Wall Street (Tóm gọn Sói già Phố Wall).
So với các huyền thoại đầu tư trong quá khứ, những nhà đầu tư thuộc thế hệ mới - như Jordan Belfort, ông luôn chia sẻ với nhân viên về ba kinh nghiệm xương máu của chính mình trong đầu tư:
1. Trong đầu tư, hãy cứ im lặng mà làm
Đầu tư chính là bản thân mỗi cá nhân đang giao dịch với cả một thị trường lớn, thế nên ta không cần phải khoa trương danh mục của mình. Hãy học cách giữ kín thông tin về việc đang làm và rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, thay vì lặp lại các sai lầm đó.
2. Lựa chọn đúng xu hướng để đầu tư
Đôi khi trên chứng trường, nhiều NĐT vẫn đặt ra thắc mắc rằng tại sao họ đã lựa chọn những công ty tốt nhất để mua cổ phiếu, nhưng sau đó thị giá vẫn suy giảm. Theo quan điểm của tác giả, mua cổ phiếu của công ty tốt chưa đủ, một trong những yếu tố quan trọng khác là "phải chọn đúng thời điểm".
Sử dụng phân tích kỹ thuật với các biểu đồ thống kê biến động của chỉ số chứng khoán từ 50 đến 150 phiên có thể giúp nhà đầu tư nắm bắt xu thế. Trong đó, giả sử đường màu xanh nước biển trên biểu đồ tượng trưng cho diễn biến của 50 phiên giao dịch, còn màu xanh lá cây hiển thị 150 phiên. Khi đường xanh nước biển nằm phía trên màu xanh lá cây, thị trường đang trong xu hướng tăng và ngược lại.
Những loại biểu đồ thế này nhà đầu tư có thể dùng thông qua một số phần mềm có sẵn và chỉ cần nhập số liệu. Dù là tự thống kê hay nhờ phần mềm xử lý, hãy cố gắng nhận ra kịp thời triết lý "luôn mua cổ phiếu trong xu thế tăng và lập tức bán ngay khi nhận ra đà giảm".
3. Quyết đoán trong mọi quyết định đầu tư dù là mua hay bán
Một số nhà đầu tư thường khó khăn khi phải quyết định mua hay bán. Họ hay do dự và không thể tự chủ trong suy nghĩ. Họ cảm thấy không chắc chắn chỉ vì họ không biết rõ mình đang làm gì. Họ không có sẵn những kế hoạch, nguyên tắc quy định để tự định hướng cho mình. Đa số các nhà đầu tư không chịu quan sát diễn biến chứng khoán một cách khách quan.
Họ luôn tự mình phân tích và quyết định nhưng cũng có xu hướng dựa vào những ý kiến chủ quan trên thị trường. Chính từ đó, sự do dự đã xuất hiện khiến nhà đầu tư rối trí không biết lựa chọn quyết định nào. Và rồi khi quyết định được thì đã muộn, nhà đầu tư chịu thua lỗ do không bán kịp cổ phiếu mất giá, hoặc bỏ qua cơ hội lợi nhuận khi không sớm mua những cổ phiếu tăng trưởng.
Bài học là nhà đầu tư cần có sự quyết đoán trong các quyết định đầu tư của mình. Đây là một đức tính rất cần thiết khi bạn tham gia vào cuộc chơi trên thị trường chứng khoán.
Theo: Nhịp sống Việt