NHỮNG RỦI RO THƯỜNG GẶP TRONG TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Theo từ điển tiếng Việt phổ thông, “rủi ro là điều không lành mạnh, không tốt bất ngờ xảy ra”. Vậy rủi ro trong tài chính là “những điều không lành mạnh, không tốt, bất ngờ xảy ra trong tài chính doanh nghiệp”. Khoa học về quản trị tài chính doanh nghiệp (TCDN) và tổng kết từ thực tiễn đã cho thấy, rủi ro trong TCDN luôn luôn gắn liền với tình trạng lạm phát trong nền kinh tế và gồm có:
1. Một là, rủi ro về cân đối dòng tiền
Các luồng tiền vào doanh nghiệp (dòng thu) và các luồng tiền ra khỏi doanh nghiệp (dòng chi) diễn ra một cách thường xuyên liên tục. Trên thực tế, tại những thời điểm nhất định có thể xảy ra hiện tượng lượng tiền vào doanh nghiệp (số thu) nhỏ hơn lượng tiền ra khỏi doanh nghiệp (số chi) đến hạn. Khi đó, tình trạng mất cân đối về dòng tiền đã xảy ra. Sự mất cân đối này tiềm ẩn một rủi ro lớn đối với hoạt kinh doanh. Do thiếu tiền, việc mua nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu,… phục vụ cho sản xuất kinh doanh có thể bị dừng lại, dẫn đến ngừng sản xuất, kinh doanh; tiền lương của công nhân và các khoản vay (nếu có) không được trả đúng hạn, ảnh hưởng lớn tới uy tín của doanh nghiệp…
Sự mất cân đối dòng tiền được chia thành: mất cân đối tạm thời và mất cân đối dài hạn. Có thể nói, ở bất kỳ doanh nghiệp nào cũng xảy ra mất cân đối tạm thời do việc thu hồi các khoản nợ phải thu không đúng kế hoạch; việc góp vốn không được thực hiện đúng cam kết… Mất cân đối tạm thời về dòng tiền có thể khắc phục được bằng nhiều biện pháp và hậu quả thường không lớn. Mất cân đối dài hạn xảy ra do những nguyên nhân quan trọng như: phần định phí trong tổng chi phí của doanh nghiệp quá lớn; vốn lưu động tự có quá ít; nợ khó đòi tăng lên; doanh thu chưa bù đắp đủ các khoản chi phí thường xuyên… Khi lạm phát xảy ra trong nền kinh tế, do tác động dây chuyền giữa các doanh nghiệp, số nợ phải thu, đặc biệt là nợ phải thu khó đòi tăng lên, mất cân đối tạm thời rất dễ chuyển thành mất cân đối dài hạn. Mất cân đối dài hạn về dòng tiền có thể làm cho doanh nghiệp bị phá sản.
2. Hai là, rủi ro về lãi suất tiền vay
Để phục vụ kinh doanh, đầu tư, hầu như tất cả các doanh nghiệp đều phải sử dụng vốn vay. Do đó, lãi suất tiền vay – chi phí sử dụng vốn – trở thành bộ phận cấu thành quan trọng trong chi phí sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Khi lập kế hoạch kinh doanh và dự án đầu tư, lãi suất tiền vay đã được dự tính. Song, có rất nhiều nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp tác động đến lãi suất tiền vay. Thông thường khi lạm phát xảy ra, lãi suất tiền vay tăng đột biến. Do đó, những tính toán, dự kiến trong kế hoạch kinh doanh, đầu tư bị đảo lộn. Một rủi ro lớn đã xảy ra và ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh. Lượng tiền vay càng lớn, tác động tiêu cực của rủi ro này càng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tình trạng phá sản doanh nghiệp nếu nó tồn tại trong một thời kỳ dài.
3. Ba là, rủi ro về sức mua của thị trường
Sức mua của thị trường là nhân tố quyết định khả năng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp và do đó, nó cũng quyết định dòng tiền vào doanh nghiệp. Song, sức mua của thị trường lại phụ thuộc vào khả năng thanh toán. Khi lạm phát, giá cả hàng hóa trên thị trường tăng cao, thu nhập của người lao động và các tầng lớp dân cư không tăng hoặc tăng chậm hơn so với chỉ số lạm phát và tất yếu dẫn đến sức mua giảm. Quan trọng hơn nữa, cơ cấu tiêu dùng cũng thay đổi. Phần lớn khả năng thanh toán tập trung cho những nhu cầu thiết yếu. Vì vậy, sẽ có không ít mặt hàng lượng tiêu thụ sẽ giảm đi đáng kể. Khi đó, rủi ro về sức mua của thị trường đã xảy ra. Nó thể hiện qua số lượng hàng hóa tiêu thụ được giảm, giá bán không bù đắp được chi phí sản xuất, kinh doanh.
4. Bốn là, rủi ro về tỷ giá hối đoái
Là rủi ro xảy ra khi các giao dịch kinh tế được thực hiện bằng ngoại tệ và tỷ giá hối đoái biến động theo hướng làm cho đồng nội tệ bị mất giá. Với những doanh nghiệp sử dụng nhiều ngoại tệ, khi tỷ giá hối đoái tăng, số lỗ về tỷ giá có thể làm giảm đáng kể, thậm chí là triệt tiêu toàn bộ lợi nhuận thu được trong kinh doanh. Đây là rủi ro bất khả kháng của các doanh nghiệp trong một nền kinh tế nhập siêu với tỷ lệ lớn.
5. Năm là, rủi ro về khả năng tái đầu tư
Muốn phát triển bền vững, quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải diễn ra liên tục, vòng sau phải cao hơn vòng trước. Đó chính là quá trình tái đầu tư. Nguồn vốn để tái đầu tư là quỹ khấu hao, lợi nhuận thu được từ quá trình sản xuất kinh doanh trước đó. Khi lạm phát xảy ra, nguồn vốn để tái đầu tư bị giảm đi, thậm chí là một số âm. Do đó, khả năng tái đầu tư bị triệt tiêu, doanh nghiệp sẽ không thể hoạt động liên tục, quy mô kinh doanh bị thu hẹp. Với những doanh nghiệp đang thực hiện các dự án đầu tư lạm phát có thể làm cho dự án đầu tư phải dừng lại thậm chí là “nằm chờ vĩnh viễn” do tổng mức đầu tư tăng đột biến, lãi suất tiền vay tăng cao, việc vay vốn bị chặn lại,…
Nguồn: Quantri