NHỮNG NHÂN VIÊN TUYỆT VỜI ĐÃ NGHỈ VIỆC NHƯ THẾ

Hẳn chúng ta đã quá quen với việc lãnh đạo chỉ ra những mặt yếu kém trong thái độ, kỹ năng làm việc của nhân viên và đưa ra quyết định sa thải, nhưng rồi bạn cũng sẽ nhận ra một thực trạng khác trong môi trường công sở: những người quản lý cứ than phiền vì những nhân viên giỏi cứ lần lượt ra đi.

Một hai người ra đi là chuyện thuờng thấy, nhưng nếu các nhân viên đều lũ lượt rời bỏ đi thì có lẽ vấn đề đến từ chính người quản lý trực tiếp. Những người quản lý thường có xu hướng chuyển hướng nguyên nhân cho những thứ xung quanh như “nhân viên kiếm đuợc công việc lương cao hơn, đãi ngộ tốt hơn, công ty mới thuận tiện cho việc đi lại hơn,…”, nhưng họ lại vô tình hoặc cố tình bỏ qua nguyên nhân mà-ai-nhìn-vào-cũng-biết-là-gì: “Nhân viên không rời bỏ công việc, họ chỉ rời bỏ những người quản lý”.

Thiếu hụt nhân sự tài là vấn đề nghiêm trọng của bất cứ công ty nào nhưng hoàn toàn có thể tránh được, nếu người sếp chịu đặt mình vào hoàn cảnh nhân viên, biết lắng nghe và cố gắng một chút thì mọi chuyện sẽ khác. Nhưng điều đáng buồn là, không phải người quản lý nào sinh ra cũng để trở thành một “quản lý”.

Giáo sư Travis Bradberry, đồng tác giả từng của cuốn sách bán chạy nhất “Emotional Intelligence 2.0” và là đồng sáng lập của TalentSmart – nhà cung cấp dịch vụ đánh giá và đào tạo trí tuệ cảm xúc hàng đầu hiện nay – đã chỉ ra 9 sai lầm mà một người quản lý thường phạm phải khiến các nhân viên có năng lực rời bỏ công ty trên trang Linkedln.

1. Người quản lý “vắt chày” nhân viên

Nghe quen chứ? Đây là một sai lầm thường xảy ra với rất nhiều công ty và không gì khiến nhân viên “rụng” khỏi công ty sớm hơn việc bắt họ làm việc cật lực và liên tục. Nhân viên giỏi được sếp trọng dụng, sếp trọng dụng sẽ giao nhiều việc, nhiều việc thì áp lực càng lớn, mong đợi của sếp càng nhiều. Kết quả, nhân viên cảm thấy dường như họ đang bị “trừng phạt” bởi hiệu suất làm việc tuyệt vời của mình. Đừng bao giờ “trăm dâu đổ đầu tằm”, vì khi tới một giới hạn thì nhân viên đó sẽ rời khỏi môi trường làm việc kiểu này.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Stanford chỉ ra rằng hiệu suất công việc mỗi giờ thuyên giảm rõ rệt khi một tuần làm việc vượt quá 50 tiếng, và giảm mạnh hơn thế sau giờ thứ 55. Điều này khiến nhân viên không thể tạo ra năng suất hiệu quả gì trong công việc.

Những nhân viên có tài vẫn sẽ giải quyết được một khối lượng công việc lớn, với điều kiện tình trạng quá tải này chỉ đôi khi diễn ra còn tình trạng quá tải liên tục chỉ khiến họ rời đi. Nếu phải “đẩy” khối lượng công việc lên thì phải đi kèm sự thăng chức, tăng lương. Còn nếu bạn “đè” những người làm công chỉ bởi vì họ có tài hay làm việc hiệu quả thì không sớm thì muộn họ cũng sẽ tìm một công việc khác tương xứng với công sức họ bỏ ra.

2. Không nhìn nhận những đóng góp và khen thưởng cho nhân viên

Chắc không cần phải nói quá nhiều về vấn đề này. Những người quản lý cần phải thường xuyên nói chuyện và thấu hiểu nhân viên để tìm ra đâu là cách khiến họ cảm thấy tốt và được trân trọng. Với một số người, đó là tăng lương còn với một số khác thì là sự khen ngợi công khai trước toàn thể các phòng ban,… Chỉ với một chút tinh ý, vấn đề này sẽ được giải quyết hiệu quả, tất nhiên sẽ đi kèm hiệu suất công việc cao mà nhân viên mang lại.

3. Người quản lý không quan tâm đến nhân viên

Công việc thì cũng giống như yêu đương vậy, và theo thống kê thì hơn một nửa lý do nghỉ việc là bởi mối quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên không “cơm lành canh ngọt”. Một môi trường công sở tuyệt vời là nơi có những người quản lý biết cách cân bằng giữa tính chuyện nghiệp của công việc và những vấn đề cá nhân với nhân viên.

Đó là những người sếp ăn mừng chung với thành công của nhân viên, đồng cảm với nhân viên trong những giai đoạn khó khan, hỏi han chừng mực những vấn đề ngoài công việc của nhân viên, biết thử thách nhân viên đúng lúc hay như biết lúc nào nên trách phạt hoặc động viên khi nhân viên phạm lỗi. Đúng là nghe qua thật không dễ, bởi vì đó là một kỹ năng mà mọi người phải dành nhiều thời gian trong đời để học hỏi. Việc nhân viên dành ra hơn 8 tiếng một ngày để làm việc cho một người không dành chút sự quan tâm cho họ mà chỉ chăm chăm vào năng suất công việc là điều bất khả thi.

4. Không giữ lời hứa

Không chỉ trong công việc mà ở bất cứ nơi nào trong cuộc sống, uy tín luôn là điều tiên quyến khiến mọi người tôn trọng bạn. Việc giữ đúng lời hứa khiến vị thế của bạn tăng cao trong mắt nhân viên vì bạn chứng mình được mình là một người đánh tin và đầy tự trọng (đây cũng chính là hai giá trị tối quan trọng của của một người lãnh đạo). Nhưng, một khi bạn phá vỡ lời hứa thì coi như “Game over”, nhân viên có thể trông mong gì từ một người sếp không giữ lời?

5. Họ chiêu mộ và đề bạt sai người

Những nhân viên có tài luôn thích được làm việc cùng những người sếp cùng chí hướng, cùng quan điểm. Nếu người quản lý không tuyển dụng một cách nghiêm túc để tìm ra những người có năng lực và đúng với chuyên môn thì sẽ gây nên tình trạng ách tắc công việc.

Đề bạt sai người thì càng tệ hơn. Thử tưởng tượng cảm giác bạn làm việc “lên bờ xuống ruộng” để được công nhận, thế mà cuối cùng phải ấm ức nhìn sếp dành sự khen ngợi hay đề bạt cho một người nào đó không xứng đáng mà xem? Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy đó là một sự xúc phạm và không trân trọng công sức mình đã bỏ ra. Vậy thì còn lý do gì để luyến lưu một người không tôn trọng bạn?

6. Người quản lý không để nhân viên theo đuổi đam mê

Thường thì, nhân viên giỏi sẽ là người có nhiều đam mê và nhiệt huyết. Việc sếp tạo điều kiện và cơ hội cho họ làm những mảng sở trường hoặc theo đuổi đam mê sẽ thúc đẩy hiệu suất công việc cũng như sự thoả mãn nghề nghiệp. Việc này tốt cả cho họ lẫn công ty. Ngược lại, một người sếp chỉ gói gọn những người có tâm và có tầm trong một khuôn mẫu chật chội. Lý do của người quản lý đưa ra là, họ sợ hiệu quả công việc chính của nhân viên giảm nếu cho họ tự do mở rộng trọng tâm công việc và theo đuổi quá nhiều đam mê. Nhưng đây là một nỗi sợ vô căn cứ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thể theo đuổi đam mê trong công việc sẽ cảm và làm việc thăng hoa gấp 5 lần trong công việc, và khi họ đã được thoã mãn thì sẽ tận hiến nhiều hơn cho các sếp.

7. Họ thất bại trong việc phát triển kỹ năng nhân viên

Khi bị chất vấn về việc không sát sao trong việc quản lý những thuộc cấp, các lý do thường được người quản lý đưa ra là họ tin tưởng nhân viên, cho nhân viên toàn quyền quyết định công việc. Những lý do đó ban đầu thì nghe thì có vẻ hợp lý nhưng đó chỉ là lời bao biện cho hành động vô trách nhiệm. Một quản lý tốt luôn biết cách giám sát, dù nhân viên họ giỏi hay có tài như thế nào. Đó không phải là luôn theo sát mọi lúc mọi nơi mà là kỹ năng để ý, lắng nghe và phản hồi lại công việc của nhân viên.

Các nhà quản lý có thể giữ chân được các nhân viên có tài hay không tuỳ thuộc vào việc họ có thể liên tục tìm kiếm những khía cạnh trong công việc mà họ có thể phát triển để mở rộng kỹ năng cho nhân viên hay không. Những nhân viên giỏi luôn muốn nghe phản hồi hơn những nhân viên có năng lực thấp, họ muốn bản thân luôn không ngừng phát triển và đó cũng chính là động lực thúc đẩy các nhà quản lý luôn không ngừng phát triển. Nếu không, những nhân viên này sẽ tìm đến những người sếp xuất sắc hơn.

8. Người quản lý an phận, không sáng tạo

Những nhân viên có tài luôn tìm cách cải thiện mọi thứ trong công việc. Nếu sếp là những người an phận, chấp nhận những gì sẵn thì cũng đồng nghĩa với việc dần lấy đi khả năng sáng tạo và cho nhân viên cơ hội phát triển. Điều này sẽ khiến nhân viên chán ghét công việc hiện tại và tìm một chân trời mới để họ thoả sức vùng vẫy.

9. Người quản lý không biết cách thách thức nhân viên

Những người sếp giỏi sẽ thách thức nhân viên của họ cố gắng để đạt được những điều tưởng chừng hết sức khó khăn. Thay vì những công việc bình thường, sếp sẽ là người đặt ra những mục tiêu thúc đẩy nhân viên vượt qua “vùng an toàn” để cải thiện bản thân.

Dĩ nhiên thách thức luôn đi kèm với sự hướng dẫn, người sếp giỏi sẽ khéo léo và thầm lặng lồng ghép những gợi ý giải quyết một cách gián tiếp để nhân viên tìm ra trong việc cải thiện mục tiêu. Những nhân viên có tài và thông minh thường sẽ cảm thấy mau chán với những việc quá dễ, không mang nhiều thử thách khả năng và trí tuệ.

Kết luận

Nếu một người quản lý muốn giữ nhân tài thì phải nghĩ kỹ lưỡng về cách đối xử với họ. Không chỉ vấn đề lương bổng, khen thưởng hay đề bạt chức danh cao, mà việc người sếp thấu hiểu cũng như tạo điều kiện nhân viên phát triển bản thân là những yếu tố quan trọng để có được lòng trung thành.

Nguồn tham khảo:Travis Bradberry/Linkdln