Những điều không nên làm khi quản lý tài chính doanh nghiệp
Rất nhiều người quản lý doanh nghiệp không quan tâm đến việc ghi chép, theo dõi chi tiết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp. Họ tập trung đầu tư, tập trung mang tiền về cho doanh nghiệp mà ít khi để tâm tới những khoản tiền đó được ghi chép và quản lý như thế nào. Tuy nhiên, một khoản tiền nhỏ cũng gây ra những trở ngại nhất định khi quản lý tiền không hiệu quả. Đặc biệt, đối với một doanh nghiệp. Vậy, làm thế nào để dòng tài chính được quản lý hiệu quả? Hãy tránh những điều sau đây, để đảm bảo vấn đề tài chính trong doanh nghiệp bạn được chi tiêu đúng mức và quản lý khoa học.
- Thỏa thuận miệng
Bạn tin tưởng vào đối tác? Bạn tin tưởng vào nhân viên? Bạn tin tưởng vào trí nhớ của mình? Sự tin tưởng đó không sai, nhưng không nên áp dụng cho những vấn đề liên quan đến tài chính trong doanh nghiệp. Thỏa thuận miệng có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra. Bạn cho nhân viên ứng trước tiền lương nhưng chỉ bằng “thỏa thuận miệng”. Để rồi cuối tháng không nhớ ra rằng trong ngân sách bay đi đâu mất mấy triệu đồng. Những vấn đề đó tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng thực chất, nó đang âm ỉ một sự không bền vững trong doanh nghiệp bạn đấy.
Hãy chấm dứt việc thỏa thuận miệng ngay từ bây giờ, cho dù doanh nghiệp bạn là một doanh nghiệp nhỏ. Bởi lẽ, chỉ khi nào bạn chú tâm đến nó, thực hiện việc quản lý chặt chẽ, khoa học nhất, bạn mới có thể đảm bảo dòng tài chính trong doanh nghiệp được quản lý hiệu quả nhất.
2. Trộn lẫn tài sản cá nhân với tài sản doanh nghiệp
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc chủ quan trộn lẫn tài sản cá nhân với tài sản doanh nghiệp là điều không nên làm. Bởi lẽ, tài sản doanh nghiệp là tài sản chung, đó là công sức và là tài sản của nhiều người. Việc trộn lẫn tài sản cá nhân bạn với tài sản doanh nghiệp sẽ khiến bạn khó khăn hơn trong việc quản lý, gặp rắc rối với việc phân chia, đánh giá và định hướng kế hoạch cho doanh nghiệp trong tương lai. Đối với vấn đề tài chính trong doanh nghiệp, cần có sự rạch ròi, phân chia khoa học, hợp lý. Hãy học cách làm việc chỉn chu với từng khoản tiền, học cách phân chia rõ ràng từng đầu mục tài chính riêng, từ nguồn tài chính cá nhân đến tài chính doanh nghiệp. Đó là yêu cầu đầu tiên để quản lý tài chính doanh nghiệp hiệu quả.
3. Trì hoãn lập kế hoạch vay vốn mãi cho đến khi có nhu cầu về tài chính
Điều này đặc biệt quan trọng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vay vốn, đầy tư để vươn xa hơn nữa trong tương lai là một yêu cầu tất yếu của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, trì hoãn sẽ là một nguyên nhân dẫn đến những bất lợi không lường trước. Bạn sẽ không có nhiều thời gian để chuẩn bị, thực hiện những kế hoạch như đã định trước. Quá trình thực hiện những dự án cũng bị chậm trễ, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức.
Chuẩn bị trước những kế hoạch vay vốn sẽ là cơ hội và nền tảng vững chắc để thực hiện tốt các dự án, công việc trong tương lai.
4. Không tìm lời khuyên từ các kế toán, luật sư chuyên nghiệp về vấn đề kế toán và luật
Cơ sở, kiến thức nền tảng là những yếu tố quan trọng quyết định những bước phát triển vững chắc cho doanh nghiệp bạn trong tương lai. Đừng quá tự tin về hiểu biết của mình, để rồi từ chối việc tư vấn kế toán, tư vấn luật từ những người giàu kinh nghiệm chuyên môn. Đứng trước các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, hãy tìm đến chuyên gia để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất. Đó chính là nấc thang, là bước đi vững chắc nhất, giúp bạn có lộ trình rõ ràng, có hướng đi đúng đắn cho việc phát triển doanh nghiệp.
5. Không áp dụng công nghệ vào quá trình quản lý tài chính
Với rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, thường chủ quan và nghĩ rằng không cần thiết phải áp dụng công nghệ vào quản lý. Tuy nhiên, chỉ khi nào những con số nhỏ, đơn giản được quản lý cụ thể, chính xác nhất, tương lai mới có thể đảm bảo chính xác những con số phức tạp và lớn hơn.
Nguồn: faceworks