Nhiều người không dám sống với giấc mơ của mình vì bận sống trong những nỗi sợ hãi: 5 nỗi sợ bạn phải vượt qua trước khi chạm đến thành công

"Khi bạn sống trong nỗi sợ tương lai vì những nỗi buồn xảy ra trong quá khứ, bạn sẽ đánh mất những gì đang có ở hiện tại." - Nishan Panwar.

Khá là buồn cười khi ai cũng muốn thành công nhưng khi cơ hội đến, nhiều người trong chúng ta luôn có lý do để bao biện cho sự chần chừ của mình. Không phải là chúng ta không thích thành công, chỉ là chúng ta để cảm xúc lấn át lý trí. Thực tế luôn khó khăn hơn việc bạn ngồi một chỗ và mơ mộng rất nhiều.

Khó khăn đến bất cứ lúc nào. Đời cứ "ném đá" vào những kế hoạch bạn đã dày công gây dựng. Tất nhiên thất bại luôn có mùi cay đắng, bất kể là khi bạn bị người mình thích từ chối, trượt phỏng vấn hay cảm thấy mình đang thụt lùi so với những người xung quanh. Thế là bạn tự nhủ: “Sao phải làm khổ mình làm gì nhỉ?”.

Sao bạn lại phải làm khổ mình?

Bởi vì trước khi bạn giỏi, bạn phải thất bại, phải vấp ngã đã. Nếu bạn không ngã đủ đau, bạn sẽ không có đủ nghị lực để thôi thúc mình tiến lên.

Sau đây là 4 nỗi sợ ngáng chân bạn trên con đường đến với thành công:

1. Nỗi sợ thất bại

Bạn có thể đang tìm cách né tránh thất bại dù chính bạn cũng không nhận ra. Ví dụ, bạn có nghĩ là mình cũng từng nói với bản thân những câu kiểu:

“Nếu mình không đạt được … cũng không sao.”

“Cậu ấy làm được, còn mình thì không.”

“Sau này mình sẽ…”

Bạn có thể đang vỗ về bản thân một cách vô thức. Khi bạn thử làm gì đó và kết quả không như mong đợi, đừng vội kết luận rằng mình đã thất bại. Bạn nên coi đó như một bài học, tự vấn tại sao chuyện đó xảy ra và bạn có thể làm gì để khắc phục. Dần dần bạn sẽ tinh ý hơn trong việc nhận ra những lỗi sai của bản thân và biết mình nên làm gì tiếp theo.

2. Nỗi sợ thành công

Chúng ta nghe nhiều về nỗi sợ thất bại rồi. Vậy còn nỗi sợ thành công thì sao? Nó cũng nghiêm trọng tương tự.

Có thể bạn sẽ lo lắng không biết chuyện gì sẽ diễn ra. Bạn băn khoăn mình nên xử trí ra sao nếu gặp phải những tình huống bạn tự giả định, đối phó với một số người như thế nào và làm sao để vẫn có thời gian dành cho bản thân.

Khi mới bắt đầu sự nghiệp viết lách, tôi cũng từng có những nỗi lo tương tự. Tôi lên kế hoạch cho đủ mọi tình huống tôi tự suy diễn. Tôi phải tự công nhận là mình của lúc đó thật thiếu thực tế nhưng tôi không biết làm gì khác. Sau cùng, cách tôi đã làm để kiểm soát nỗi sợ của mình là: Những tình huống mình tự giả định có thể xảy ra trong tương lai, có thể không. Hiện tại không phải lúc tôi lo lắng về những chuyện đó. Tôi dẹp chúng sang một bên và tự nhủ mình sẽ giải quyết chúng khi thời điểm đến.

Thế nên nếu bạn mới bắt tay vào một việc gì đó, bạn đừng chỉ nghĩ mình nên làm gì ở bước 10. Hãy nghĩ cách vượt qua bước 1, sau đó bạn sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt cho các bước tiếp theo khi thời điểm đến.

3. Nỗi sợ phải từ bỏ

Đôi khi chúng ta thích níu giữ những điều thuộc về quá khứ, một người chúng ta rất yêu hay một nơi chúng ta vô cùng thân thuộc. Những điều thân thuộc khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, mặt khác chúng cũng kìm hãm chúng ta tiến về phía trước.

Tôi mới xem một phim tài liệu về một người đàn ông làm chủ một nhà hàng từng được quản lý bởi cha mẹ mình trước khi ông bà qua đời. Dạo gần đây tình hình kinh doanh nhà hàng không được tốt nhưng người con trai vẫn một mực giữ nguyên hình thức kinh doanh giống như hồi cha mẹ anh còn sống cốt để lưu giữ những kỷ niệm còn sót lại về ông bà. Trước nguy cơ nhà hàng sắp phải đóng cửa, người con trai từ chối mọi sự thay đổi hay những góp ý của mọi người.

Mặc dù chúng ta không nên phủ nhận quá khứ, chúng ta vẫn nên ý thức rằng thay đổi mới khiến chúng ta tiến bộ. Thứ từng tốt với bạn trong quá khứ không hẳn phù hợp với bạn ở hiện tại.

4. Nỗi sợ mất thời gian

Một người quen từng tâm sự với tôi rằng cô ấy băn khoăn không biết có nên đổi sang làm một ngành nghề mới hay không: "Tớ sợ làm lãng phí thời gian."

Nỗi sợ mất thời gian thường đóng vai trò khá lớn trong những quyết định của chúng ta. Thời gian bạn dành cho việc này khiến bạn dành ít thời gian cho việc kia hơn. Đó là chi phí cơ hội và bạn buộc phải lựa chọn đâu là việc bạn nên đổ thời gian vào.

Hãy tự hỏi mình: Nếu mình không làm thì sao? Sao này mình có hối hận không? Ngay cả khi bạn quyết định theo đuổi một mục tiêu nào đó và kết quả không như kỳ vọng, không hẳn là bạn đã lãng phí thời gian đâu. Bạn đã hiểu hơn về chính mình, trau dồi thêm kỹ năng; quyết định nào cũng mang lại cho bạn bài học cả.

5. Nỗi sợ ở trong tâm trí

Phần lớn những nỗi sợ đến từ những mâu thuẫn nội tâm diễn ra không ngừng nghỉ trong đầu chúng ta. Bộ não thích ở trong vòng an toàn nên nó cứ vỗ về bạn giậm chân tại chỗ, cản trở bạn trưởng thành. Nếu có mục tiêu gì đó bạn muốn theo đuổi, hãy tiếp cận từng bước một. Bạn sẽ không giải quyết được mọi chuyện trong ngày một ngày hai đâu, bạn cũng không nên làm thế.

Theo: Trí thức trẻ