Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn thiếu quy trình quản trị tài chính

Nhiều doanh nghiệp Việt vẫn thiếu quy trình quản trị tài chính

Chi phí là một trong những yếu tố cần quản trị nghiêm ngặt nhất bởi chính chi phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận - chỉ tiêu hàng đầu của các công ty.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), 60% doanh nghiệp Việt hiện nay vẫn còn trong tình trạng kinh doanh không có lãi, không phát sinh thu nhập doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, bức tranh về  tài chính của doanh nghiệp Việt chưa được cải thiện nhiều bởi lợi nhuận thấp thì không thể nói doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao.

Dù vượt kế hoạch vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 70% GDP trước ba năm, vốn hóa có khả năng chuyển nhượng chỉ chiếm 1/3 do do tỷ lệ vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp niêm yết lớn còn quá cao.

Mặc dù vậy, ba năm qua cũng chứng kiến sự phát triển của nhiều doanh nghiệp với khả năng quản trị tài chính tốt, nhiều doanh nghiệp vốn hoá trên 1 tỷ USD, thậm chí có một nhóm doanh nghiệp hàng đầu đã vượt và chạm ngưỡng 10 tỷ USD như PV GAS, Vinamilk, Vietcombank, Vingroup...

Trong Chương trình “Đánh giá năng lực hoạt động doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn doanh nghiệp và Viện Nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp tổ chức, có tới 12/100 doanh nghiệp ba năm liền có mặt trong top đầu có chỉ số tài chính tốt nhất trong giai đoạn 2016 – 2018 với những cái tên như Vingroup, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty CP Viettronics Tân Bình, Công ty CP Sữa Việt Nam, Công ty CP tập đoàn Hoà Phát...

Chia sẻ với TheLEADER, ông Nguyễn Đoàn Kết, Uỷ viên HĐQT Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, với một nguồn vốn chủ sở hữu không nhiều khi thành lập vào năm 2004, một trong những giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực của công ty này là sử dụng đòn bẩy tài chính một cách hợp lý và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, phù hợp với thực tế tiêu thụ theo từng mùa vụ.

Theo đó, nguồn tài chính ở Rạng Đông được đầu tư mạnh vào các khâu, mắt xích có khả năng tạo giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo, cải tiến công nghệ…

“Nguồn lực tài chính nhìn chung được sử dụng để đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; sau đó tối ưu hoá quá trình sản xuất. Kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn và phù hợp việc sử dụng đòn bẩy kinh tế cho từng giai đoạn và đầu tư cho các khâu mang lại giá trị gia tăng cao”, ông Kết cho biết.

Ông Kết lý giải, là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt là đèn LED phục phụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới để mang lại nguồn sáng vừa thận thiện với môi trường, lấy con người làm trung tâm cũng như phù hợp với thời đại 4.0 là điều rất quan trọng.

Việc đầu tư vào các khâu này mang lại cho công ty nhiều giá trị gia tăng cao, bền vững nên mang lại lợi nhuận tốt cho công ty,

Trong khi đó, có bề dày kinh nghiệm làm việc trên 30 năm hợp tác với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là các tập đoàn Nhật Bản, Viettronics Tân Bình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và từng bước nâng cấp về trình độ quản lý, cả về kỹ thuật, sản xuất và quản trị tài chính.

Theo ông Văn Viết Tuấn, Phó tổng giám đốc Viettronics Tân Bình, phương châm của công ty này là hoạt động và thực hiện các chỉ số về tài chính phải minh bạch.

Muốn quản trị tài chính tốt, các lĩnh vực khác cũng cần kiểm soát chặt chẽ
Ông Văn Viết Tuấn, Phó TGĐ Viettronics Tân Bình.

“Thông thường vào đầu năm sẽ làm ngân sách cho cả năm, phân bổ ngân sách theo chỉ tiêu từ trên giao và thực hiện từ dưới lên trên.

Tất cả các phòng ban trình bày kế hoạch tài chính dựa vào chỉ tiêu đã được giao, quyết định cơ cấu tổ chức của mình, từ đó đưa ra các chi phí để cân đối ngân sách”, ông Tuấn cho biết.

Theo đại diện Viettronics Tân Bình, vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, công ty này sẽ tổ chức các cuộc họp về phê duyệt ngân sách. Trong quá trình hoạt động, tất cả các chi phí đều được xem xét ở các cuộc họp hàng tháng, từ đó có các đánh giá và điều chỉnh thích hợp đúng với tình hình kinh doanh, sản xuất của công ty.

Nhìn nhận việc quản trị tài chính trong môi trường kinh doanh có nhiều biến động, ông Tuấn chia sẻ, về dự trù ngân sách, Viettronics Tân Bình luôn có các phương án dự phòng để cố gắng đeo bám ngân sách.

“Tài chính cũng liên quan đến các lĩnh vực khác như chất lượng, sản xuất... bởi đều dẫn về chi phí. Trong khi đó, quản trị tài chính là quản trị chi phí. Chi phí là một trong những yếu tố cần quản trị nghiêm ngặt nhất bởi chính chi phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận – chỉ tiêu hàng đầu của công ty”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn nhìn nhận, nhiều công ty Việt đang không quản trị theo quá trình, để xảy ra vấn đề một thời gian mới kiểm tra, đánh giá và phản ứng. Ở Viettronics Tân Bình, các cuộc họp giao ban ngắn được tổ chức hàng tuần, ban tổng giám đốc sẽ phát hiện những lệch lạc nhằm kịp thời điều chỉnh. Quá trình này diễn ra liễn tục trong năm để hạn chế và xử lý các bất trắc có hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đoàn Kết cũng cho rằng ở Việt Nam đang có nhiều bất cập ảnh hưởng đến công tác quản trị tài chính.

“Trong công tác quản trị tài chính, một trong những việc quan trọng nhất là phải ứng dụng được công nghệ thông tin. Rạng Đông hiện đang phối hợp với một số đơn vị ứng dụng phần mềm của nước ngoài.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính còn khó khăn do chế độ kế toán ở Việt Nam mặc dù về cơ bản phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế nhưng còn một số vấn đề vẫn không phù hợp và gây nhiều phiền hà như chính sách thuế, các cơ chế, thể chế, định chế tài chính liên quan đến thuế”, ông Kết nhìn nhận.

Theo lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, đó là sự thiếu đồng bộ giữa chuẩn mực của Việt Nam với chuẩn mực quốc tế trong khi việc ứng dụng phần mềm quản trị quốc tế đang dần trở nên phổ biến.

Nguồn: the leader


Dark Swan

Dark Swan

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com