Nhân tài thiếu nhiệt làm việc – lỗi từ nhà quản trị

Tuyển dụng được nhân tài đã khó nhưng giữ chân được họ còn khó gấp nhiều lần. Tuy nhiên rất nhiều các doanh nghiệp hay các nhà quản trị biết điều này nhưng vẫn mắc phải những sai lầm để rồi những nhân viên xuất sắc dần dần đội nón ra đi.

Người ta nói “nhân tài như lá mùa thu” nếu không biết cách giữ gìn thì rung vài cái là rụng hết. Vậy những nhà quản trị đang thiếu quan tâm đến những điều gì?

Không khiến họ bận rộn

Nếu bạn không làm cho họ bận thì đương nhiên sẽ mất họ. Bởi theo nghiên cứu từ CEB cho thấy 30% nhân viên thấy mình quá nhàn và như các cụ nói “nhàn cư vi bất thiện” – họ sẽ tự nghĩ ra những ý tưởng khác lạ và tự đi tìm công việc mới để phục vụ cho chúng.

Tuy nhiên điều gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất là các nhân viên giỏi thường không nghỉ ngay mà họ sẽ buông lỏng sự tập trung vào công việc. Giống như ngọn đèn cạn dần dầu.

“Cạn dầu” không phải là một điều rõ ràng. Nhân viên vẫn làm việc bình thường, đúng giờ, tham gia họp hành như các nhân viên khác nhưng bị một dạng như ức chế tinh thần rồi dần dần khiến họ cảm thấy chán nản và kết quả là nghỉ việc, chuyển công ty.

Việc các nhà quản trị hiểu được những sai sót trong quá trình điều hành khiến cho dầu không được bơm thêm là rất cần thiết, dưới đây chúng tôi xin liệt kê một vài thứ có thể gây ra tình trạng này:

Các nguyên tắc rập khuôn, cứng nhắc hoặc quá thiếu hợp lý

Doanh nghiệp nào cũng có những quy định, nguyên tắc nhất định tuy nhiên không phải cái nào cũng hợp lý. Nhiều nhà quản trị do quá chú trọng vào kết quả mà đưa ra các quy định quá chặt chẽ đẩy những nhân viên có tài vào tình trạng bị gò bó hay gây cảm giác như tù nhân bị giám sát. Biện pháp này gây ức chế tình thần khá cao cho nhân viên và về lâu dài sẽ khiến họ phát điên và bỏ việc.

Ngang hàng lợi ích

Quản trị công bằng là điều rất quan trọng trong tất cả các lĩnh vực, nhưng áp dụng không đủ chi tiết về đánh giá thì cực kỳ tệ với các nhân viên giỏi. Người làm tốt, giỏi bất mãn vì không được đánh giá cao dù họ nỗ lực làm việc nhưng đánh giá cũng chỉ giống như những người làm ít và đến giờ cắp đít về.

Bao che cho nhân viên kém

Một dàn hòa tấu có thể gồm rất nhiều nhạc công tài năng nhưng có một người kém cỏi thì bản nhạc vang lên sẽ rất tệ. Người nghe sẽ đánh giá đó là một dàn hòa tấu kém chất lượng. Trong môi trường doanh nghiệp cũng thế, một vài nhân viên lười nhác, trình độ thấp giống như một quả tạ kéo tụt tinh thần và những nỗ lực của những nhân viên tài năng xuống.

Đánh giá không chính xác kết quả

Chắc các bạn đều biết câu chuyện “Chấm đen trên tờ giấy trắng”, việc nhìn ra điểm yếu, điểm xấu của nhân viên để đánh giá thấp hay chỉ trích là một điều cực kỳ dễ dàng. Việc chăm chăm có phần vô thức nhắm vào những điều đó gây ra những sai lầm khi sử dụng nhân tài. Do đó các nhà quản trị cần đánh giá chính xác phần trắng của tờ giấy để hiểu được những nỗ lực và động viên nhân viên thường xuyên vì những cố gắng và thành tích họ đạt được.

Thiếu mối liên kết và sự quan tâm

Tình người hay sự kết nối quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng trong việc dùng người của lãnh đạo, bạn có biết 1/2 số nhân viên rời bỏ công ty vì không có mối quan hệ tốt với cấp trên của mình. Một nhà quản trị chuyên nghiệp bên cạnh mối quan hệ công việc tốt còn cần đồng cảm với những khó khăn, thử thách hay các điều phiền muộn mà nhân viên của mình phải chịu đựng.

Sếp thiếu quan tâm đến cấp dưới và chăm chăm quản lý ép họ làm việc mà không để ý đến sắc diện, gia đình của họ, thường hiệu quả công việc chỉ đạt một nửa.

Thiếu phác họa viễn cảnh và sự quan trọng của nhân viên

Bên cạnh làm việc theo phân công công việc và tạo động lực cho họ, những nhà quản trị giỏi cần phác họa cho nhân viên của mình vì sao họ ở đây, vì sao họ được chọn và vị trí của họ quan trọng thế nào đối với chiến lược, mục tiêu của công ty.

Những người giỏi thường sẽ cảm thấy rất tệ với những viễn cảnh ngắn hạn và họ sẽ chán nản đi tìm công việc khác.

Không cho phép đam mê

Đam mê ở đây là những đam mê ngoài công việc chuyên môn nhưng bằng việc cho họ thời gian suy nghĩ về cách biến đam mê đấy ứng dụng thế nào vào công việc hiện tại thì chúng ta có thể hoàn toàn có những sản phẩm bổ trợ cực kỳ quý giá và hữu ích. Google là một trong những công ty đi đầu về phương pháp này. Họ dành cho nhân viên 20% thời gian làm việc để tự do suy nghĩ về những điều mang lại lợi ích cho bản thân mình, và kết quả Gmail và AdSense ra đời.

Tẻ nhạt

Bạn hãy tưởng tưởng bạn là giám đốc một doanh nghiệp, bạn đến công ty đọc báo cáo tháng, mọi thứ vẫn ổn, kết quả không tồi nhưng đây là tháng thứ mấy bạn thấy báo cáo vẫn y nguyên các tháng trước và không rõ nguyên nhân vì sao nó không khác đi bên cạnh đó là một không khí ngột ngạt trong văn phòng, nhân viên không ai nở 1 nụ cười. Rồi bạn chợt nhận ra bạn muốn đi du lịch để phá vỡ bầu không khí nhàm chán này, và tiếp theo bạn nhận ra 2 năm nay công ty chưa đi du lịch, chưa tổ chức sinh nhật cho nhân viên… Đây chỉ là một trong những lý do mà chúng tôi đưa ví dụ mà thôi.

Ví dụ: Google cung cấp cho nhân viên miễn phí bữa ăn, tạo sân bowling, lớp tập yoga,… Một số công ty tại Việt Nam cung cấp phòng tập gym, phòng chơi game, hàng quý tổ chức team building kết hợp du lịch…

Bạn có thể thấy sự tẻ nhạt chính là yêu tố âm thầm kết liễu nhiệt huyết của nhân viên. Nếu bạn là nhà quản trị tốt hãy nghĩ ra những điều làm cho văn phòng trở nên thú vị hơn biến công sở không chỉ là nơi làm việc mà còn là một gia đình, một công viên, một rạp phim,… để cải thiện môi trường làm việc và từ đó nhân viên sẽ gắn bó lâu dài hơn.

Theo Eduviet