Lương 20 triệu nhưng cuối tháng vẫn "húp mì tôm", vay nợ vì túng quẫn: Nâng cấp cuộc sống , "quên" nâng cấp ví tiền, nghèo vẫn hoàn nghèo!
Nhiều người tự hỏi, "Tại sao mình lương cao. Nhưng đến cuối tháng vẫn đói, vẫn phải vay tiền, vẫn phải húp mì tôm qua ngày?"
1. Túi tiền không theo kịp cách bạn "lên đời"
Lúc làm được 20 triệu/tháng, tôi nghĩ mình là người giỏi nhất, thông minh nhất.
"Làm trưởng phòng tín dụng thì có gì mà oai? Lương thậm chí còn chả cao bằng mình."
"Kiếm được 10 triệu thì có gì mà giỏi. Mình còn kiếm được gấp đôi."
Tôi đồ rằng mình cần được hưởng những thứ tuyệt vời nhất, tráng lệ nhất từ trước đến nay chưa từng được hưởng. Tôi không ăn uống vỉa hè nữa, thay vào đó tôi chọn nhà hàng, hệ thống. Hoặc ít nhất chỗ đó cũng phải có máy lạnh đang bật. Tôi không mua quần áo Tàu nữa, thay vào đó, tôi mua đồ hãng, đa phần là những hãng bình dân của châu Âu, Mỹ.
Bạn đúng, tôi biết mình đang ở đâu. Tôi chưa đến nỗi mất trí và ảo tưởng đâu!
Tôi mua một chiếc xe SH bản 150 màu trắng, mua điện thoại high-end khi mới ra, dẫn cô gái tôi quen tới địa điểm sang trọng. Có lần, sau khi thanh toán bill gần 1 triệu cho bữa tối cùng cô gái mới quen, tôi tự hỏi, mình đang làm cái quái gì vậy! Mình vi phạm tất thảy nguyên tắc mình tự đề ra.
Và rồi thì sao???
Đương nhiên, tôi cháy túi. Lúc nào cũng làm bạn với mỳ tôm cuối tháng. Với nhiều người 20 triệu/tháng là to. Với tôi, nó chỉ là một "con số sứt mẻ" ngay sau khi nhận.
Đời tôi thậm chí còn suýt mạt hạng thêm lần nữa…
Thời gian ấy tôi bắt đầu làm quen với thẻ tín dụng được cấp hạn mức, thậm chí tôi còn ăn tiêu và mua sắm nhiều hơn. Hệ quả là số tiền kiếm ra hàng tháng không đủ chi trả. Thế nên tôi bắt đầu rơi vào cảnh túng quẫn và vay nợ.
Nhưng vì đã có bài học vay nợ trong quá khứ nên tôi rùng mình, lạnh gáy, và thúc ép bản thân phải vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Rất may, với số nợ không nhiều và thu nhập cũng tạm ổn, tôi chỉ mất vài tháng chăm chỉ cày kéo để trả nợ. Bài học đầu tiên của tôi khi ấy là giác ngộ ra chân lý: "Nếu lên đời quá gấp, quá chóng vánh, túi tiền của mình sẽ không theo kịp cách mình lên đời."
2. Mua quá nhiều thứ thừa thãi
Không chỉ là lên đời hay nâng tầm cuộc sống, nếu bạn tiếp tục mở rộng danh mục mua sắm, mua nhiều thứ hơn, nhiều đồ dùng hơn, nhiều vật dụng hơn. Đó chắc chắn sẽ là lý do tại sao bạn sẽ húp mì tôm vào cuối tháng.
Đã bao giờ bạn lên Shopee và mua một món đồ mà trước đó chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mua?
Đã bao giờ bạn lên Lazada mua một món đồ mình không thích chỉ bởi giá nó rẻ?
Lần cuối cùng của tôi? Đó là một đôi giày Nike có giá chỉ 500.000 đồng. Cả đời tôi chưa từng thấy đôi giày nào của Nike mà giá chỉ 500.000 đồng cả! Tất nhiên tôi chỉ ưng ý 20% về mẫu mã và chất lượng. 80% còn lại, cái bụng của tôi ưng bởi vì giá đang sale.
Nhưng chuyện gì xảy ra với đôi giày giá 500.000 đồng này?
Mặc dù đã cố thử, cố làm cho nó phù hợp nhưng kỳ thực, nó chả ăn nhập gì với phong cách của tôi cả. Mỗi lần nhìn đôi giày, tôi lại bực mình thêm một chút. Mỗi lần nghĩ về tiền bỏ ra vô ích, tôi lại đau lòng thêm một chút. Cho đến khi thẩy đủ, tôi tống khứ nó đi và cho người khác.
Mở rộng danh mục mua sắm là điều bắt buộc. Ví dụ bạn ở một mình sẽ rất khác so với việc bạn ở hai mình, thêm con cái. Thậm chí khi lớn tuổi hơn, đời sống tinh thần cũng sâu sắc hơn. Lúc ấy bạn không chỉ mua đồ để phục vụ nhu cầu cá nhân, bạn còn mua đồ để phục vụ tinh thần bản thân mình nữa.
Vậy nên, nếu không né được những vật dụng thừa thãi, đừng hỏi lý do tại sao lương cao nhưng cuối tháng vẫn húp mì tôm đều đều.
3. Thu nhập của bạn không tăng
Thu nhập của bạn bao lâu rồi không tăng?
Lần tăng lương gần đây nhất của bạn là bao nhiêu?
Mức lương của bạn đã đạt tới đỉnh, maximum so với công việc của bạn chưa?
Nếu bạn cứ nâng cấp, lên đời nhưng lương của bạn không tăng thì đó cũng là một trong những lý do tại sao cuối tháng bạn húp mì tôm.
Lời khuyên của tôi trong trường hợp này, nếu thu nhập hiện tại của bạn đã tới hạn. Hãy nghĩ ra một lĩnh vực nào đó mà mình có thể khai thác để gia tăng thêm thu nhập.
Ví dụ như đồng nghiệp lúc ấy của tôi làm thêm kênh Youtube và kiếm view từ nước ngoài. Một tháng, anh ấy kiếm thêm được 5-7 triệu một cách nhàn rỗi.
Hay như lúc tôi làm được 20 triệu/tháng, tôi thấy thu nhập của mình gần như đã chạm đỉnh. Tôi không thể kiếm thêm cũng không còn thời gian và năng lượng để làm gì khác. Thế nên sau cùng tôi chọn phương án liều lĩnh hơn, đó là nghỉ việc và đi tìm lối đi riêng cho mình.
Đến giờ, tôi không quan tâm quá nhiều tới việc mua sắm. Nhưng những bài học xưa cũ đã dạy tôi rất nhiều, để tóm lại…
Không lội biển làm sao biết nước biển mặn hay không?
Tất cả những gì tôi nói đó là kinh nghiệm của tôi. Tất cả những gì người khác nói có thể là kinh nghiệm, cũng có thể chỉ là những gì họ nghe nói được từ những người khác tương tự bạn.
Bạn phải lội biển để biết nước biển mặn thế nào.
Tôi từng nghĩ mình thích nước hoa, nhưng khi mua nhiều nước hoa về rồi tôi mới phát hiện ra mình là người "không ưa nhiều mùi". Ví dụ, tôi chỉ thích nước hoa mùi gỗ. Nếu nước hoa mùi ngọt là tôi thấy nồng nặc, nhức đầu.
Tôi từng nghĩ mình thích sưu tập giày nhưng sau khi mua nhiều giày tôi mới phát hiện ra mình ghét việc này. Con người tôi mang đặc tính "tối ưu" rất mạnh. Thế nên tôi thường cảm thấy khó chịu khi phải chi tiền ra cho những thứ mình không dùng đến.
Tất cả những thứ đó tôi đều nghĩ rằng mình thích, nhưng khi có được rồi thì mới thấy mình không thích. Hay như trước đây tôi là con nghiện smartphone. Ham thú vọc vạch, nghịch ngợm, tìm hiểu. Nhưng đến giờ tôi phát hiện ra mình không thích nó nữa. Nó chỉ khiến công việc của mình kém hiệu quả đi chứ chả giúp ích được gì nhiều.
Bài học vô giá: Trải nghiệm là những thứ bạn không thể lẫn lộn được!
Tệ hơn, có thể còn là cảm giác rẻ tiền
Vừa hôm trước, tôi dẫn đứa cháu đi chơi cùng mẹ. Mỗi khi đứa cháu đòi hỏi cái gì thì mẹ tôi lại nói: "Cái đấy đắt lắm, bà không có tiền mua đâu." Đó là CÂU NÓI HUYỀN THOẠI mà tôi thường nghe mẹ tôi nói lúc còn nhỏ. Thích cái gì nhưng không được mua. Đó là cảm giác không mấy dễ chịu khi còn là trẻ nhỏ.
Nhưng lớn lên một chút, nếu thích cái gì mà không dám mua, từ ngày này qua tháng nọ, từ món đồ hấp dẫn này qua món đồ hấp dẫn kia, đó là cảm giác rẻ tiền một cách tệ hại.
Ví dụ tôi thích chiếc iMac 27’’, ra trường tôi tìm mọi cách để kiếm tiền mua chiếc iMac 27’’ trong khi nếu có tiền nhưng lại cố tình hãm cái khao khát hàng bao nhiêu năm đó lại. Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy mình thật rẻ tiền, và chả xứng đáng được hưởng điều gì tốt đẹp.
Kết luận
Tóm lại, những gì tôi muốn nhắn nhủ trong bài viết này đó là hãy thử nghiệm cảm giác lên đời, nâng cấp cuộc sống trong một thời gian (1 năm – 2 năm). Trong thời gian này, hãy lắng nghe bản thân, nhận biết xem bản thân mình thực sự muốn gì, cần gì, và không thể sống thiếu gì?
Tiếp đến, hãy chỉ dành tiền cho những thứ "đáng nâng cấp". Mặt khác, hãy loại bỏ những thứ thừa thãi và không cần thiết cho cuộc sống của mình. Nếu bạn thích ống nhòm, hãy mua một cái. Còn cái ống nhòm với tôi, hiện tại, chắc hẳn nó là thứ vô dụng nhất trên đời.
Theo: cafef.vn