KHI CÁC DOANH NGHIỆP LÀM KHÔNG ĐỦ TRẢ NỢ

Chi phí lãi vay thực sự không phải là điều gì quá đáng sợ. Vay tiền và sử dụng như thế nào, đó mới là yếu tố quyết định trong thành bại của doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc vay nợ là điều khó doanh nghiệp nào tránh khỏi. Mà thực ra cũng không nên tránh! Vay vốn ngân hàng giúp doanh nghiệp chủ động hơn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong trường hợp các khoản phải thu chưa thực sự về đến tài khoản. Một mặt khác, việc vay vốn nhiều khi chi phí lại rẻ hơn sử dụng vốn tự có, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ khoản tiết kiệm thuế.

Thống kê chi phí lãi vay quý 1 của các doanh nghiệp trên sàn cho thấy, không ít doanh nghiệp có khoản chi phí này vượt quá cả lãi gộp của công ty. Nói nôm na, các công ty này "làm không đủ trả nợ". Mùa ĐHCĐ năm nay cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp thanh minh cho kết quả kinh doanh yếu kém vừa qua là do lãi suất và gánh nặng lãi vay.

Lãi từ hoạt động tài chính

Đứng đầu bảng phải kể đến Địa ốc Hoàng Quân (HQC) với tỷ lệ chi phí lãi vay/lãi gộp lên tới 171 lần. Vấn đề của HQC không phải là chi phí lãi vay quá cao, mà là hiệu quả hoạt động kinh doanh quá thấp. Trong riêng quý 1, HQC lãi gộp vỏn vẹn 52 triệu đồng trên doanh thu thuần 3,6 tỷ đồng. Lợi nhuận quý 1 của HQC đến từ hoạt động tài chính với gần 18 tỷ đồng lãi tiền gửi, cho vay. Với một doanh nghiệp địa ốc, lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động gửi tiền lấy lãi, quả thực có điều gì đó "không ổn".

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HQC đã bán gần hết cổ phiếu sở hữu để đầu tư vào dự án mà HQC làm đầu tư. Hiện tại, ông Tuấn không còn là cổ đông lớn của HQC. Việc này có thể khiến nhà đầu tư hình dung về tình trạng khan vốn của HQC trong giai đoạn hiện nay.

Trong Top 20 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay/lãi gộp cao nhất, Địa ốc Hoàng Quân là 1 trong 3 doanh nghiệp có lãi. Điều đó có nghĩa là, lợi nhuận của Hoàng Quân cũng như các doanh nghiệp còn lại, không đến từ hoạt đông kinh doanh chính.

ITD cũng là một trường hợp tương tự. Nhờ khoản điều chỉnh giảm chi phí tài chính nội bộ, chi phí tài chính của công ty được ghi âm hơn 6 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng 8,2 tỷ đồng quý 1/2014 (là quý 4 niên độ tài chính 2013 - 2014 của ITD) được góp phần bởi hoạt động tài chính trong kỳ.

Một doanh nghiệp địa ốc khác là Sacomreal (SCR) cũng có kết quả kinh doanh gần giống với HQC. Tức là, lợi nhuận thu được của công ty đến từ hoạt động tài chính. Khác chăng, doanh thu tài chính của SCR chủ yếu đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia thay vì lãi tiền gửi, cho vay như HQC.


Top 20 các doanh nghiệp "nặng nợ" nhất, chỉ có 3 doanh nghiệp có lãi

Lỗ nặng, lỗi do lãi vay?

Quán quân thua lỗ quý này hiện đang là PVX với khoản lỗ riêng quý 1 trên 163 tỷ đồng. Thật ra, chi phí quản lý, đúng hơn là các khoản trích lập dự phòng mới thực sự là nguyên nhân chính cho khoản lỗ khủng của PVX quý 1 vừa qua. Dù sao, PVX cũng đã lãi gộp những 45 tỷ đồng. Chi phí lãi vay 72 tỷ đồng là một gánh nặng. Nhưng nguy cơ đối với PVX đó là khoản nợ ngắn hạn của công ty (bao gồm nợ vay và các khoản phải trả) vượt tài sản ngắn hạn tới 1.385 tỷ đồng. Con số này chỉ thua mỗi HT1 với những khoản vay khủng, ngay cả sau khi đã phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ với công ty mẹ Vicem.

Hữu Liên Á Châu là công ty thua lỗ khủng chỉ sau PVX. Theo báo cáo chưa soát xét, riêng quý 2 niên độ tài chính 2013 - 2014 (từ 1/1 đến 31/3/2014), HLA lỗ ròng tới 152 tỷ đồng. Sau báo cáo soát xét bán niên, 6 tháng đầu niên độ (từ 1/10/2013 đến 31/3/2014) HLA lỗ ròng thêm 69 tỷ đồng, đạt gần 278 tỷ đồng. Như vậy, thực tế khoản lỗ quý 2 niên độ 2013 - 2014 của HLA chưa chắc đã thua kém anh cả ngành xây lắp dầu khí.

Về nguyên nhân lỗ đậm, Hữu Liên Á Châu không ngần ngại thừa nhận công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và đang trong giai đoạn đàm phán tái cơ cấu lại các khoản nợ. Khoản lỗ quý 2 vừa qua chủ yếu do giải phóng hàng tồn kho (lỗ 116,4 tỷ đồng), chi phí tài chính phát sinh (26,3 tỷ đồng)...

Có nghĩa là, chi phí tài chính, mặc dù tương đối lớn, nhưng vẫn không là nguyên nhân chính cho các khoản thua lỗ của HLA.

Ngược lại, quan sát Top 5 các doanh nghiệp có chi phí tài chính cao nhất, bao gồm: HT1, HPG, GAS, HAG, chỉ có duy nhất HT1 có tình hình kinh doanh tương đối khó khăn. Tuy vậy, không công ty nào thua lỗ. Thậm chí, còn lãi đậm.

Như vậy là, chi phí lãi vay thực sự không phải là điều gì quá đáng sợ. Vay tiền và sử dụng như thế nào, đó mới là yếu tố quyết định trong thành bại của doanh nghiệp.

Nguồn: cafef