Gắn kết nhân viên là gì và tầm quan trọng của nó với doanh nghiệp
Các nhà quản lý nhân sự và chuyên gia tuyển dụng đang ngày càng chú trọng vào việc cải thiện khả năng gắn kết của nhân viên bởi đây là một trong những đề tài quản lý tài năng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến thành công của một doanh nghiệp. Khi một nhân viên cảm thấy gắn kết với công ty, năng suất của họ sẽ cải thiện, thậm chí gia tăng, đồng thời họ cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể các chi phí.
Gắn kết nhân viên là gì?
Một nhân viên gắn kết sẽ tận tâm và cố gắng cống hiến hết mình vào thành công của doanh nghiệp. Tuy vậy, gắn kết cũng có nhiều mức độ khác nhau: những người có sự gắn kết cao, những người thiếu gắn kết và những người chủ động không gắn kết.
Những nhân viên gắn kết sẽ cảm thấy hài lòng và hứng thú với công việc - về cả mặt thể chất, cảm xúc và cả nhận thức. Mức độ gắn kết càng cao, nhân viên của bạn càng nỗ lực đóng góp nhiều hơn.
Một doanh nghiệp có một đội ngũ nhân viên gắn kết đồng nghĩa với việc họ có trong tay một lợi thế cạnh tranh vượt trội. Mặt khác, những nhân viên không hài lòng và không gắn kết có xu hướng truyền bá sự tiêu cực và phiền não của họ cho toàn bộ công ty.
Tại sao sự gắn kết của nhân viên lại quan trọng với doanh nghiệp?
Nhân viên là những người giữ cho các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ, đóng góp đáng kể vào thành công lâu dài của công ty và truyền tải các giá trị của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp gắn kết nhân viên thành công sẽ tác động lên năng suất, lợi nhuận, mức độ hài lòng của khách hàng và doanh thu. Đồng thời, nhân viên gắn kết sẽ ít nghỉ việc hay vắng mặt hơn.
Sau đây là 3 lý do vì sao sự gắn kết của nhân viên là yếu tố quyết định tính hiệu quả của chương trình quản lý tài năng của doanh nghiệp:
Xu hướng vắng mặt và nghỉ việc thấp hơn
Một hay nhiều nhân viên vắng mặt đều gây cản trở đến năng suất của doanh nghiệp, làm trì trệ các dự án và tạo hình tượng xấu trong mắt khách hàng. Một nhân viên gắn kết sẽ tự có động lực để hoàn thành công việc và mong muốn trở thành một cá nhân xuất sắc trong nhóm của họ, do đó, họ thường có tỷ lệ vắng mặt thấp hơn.
Hơn nữa, các nhân viên gắn kết và hài lòng với công việc sẽ ít có xu hướng chuyển việc hơn. Nếu các lãnh đạo muốn giữ chân đội ngũ nhân tài trong công ty, thì việc thiết lập một môi trường khích lệ làm việc và gia tăng độ hài lòng của nhân viên là rất quan trọng để cải thiện gắn kết cho nhân viên.
Năng suất cao hơn
Nghiên cứu cho thấy một nhóm các nhân viên gắn kết cao sẽ có hiệu suất làm việc cao hơn một nhóm các nhân viên thiếu gắn kết. Có thể thấy rằng nếu doanh nghiệp thành công trong việc xây dựng một môi trường gắn kết nhân viên thì năng suất sẽ tăng cao hơn, khách hàng cũng sẽ hài lòng hơn, cuối cùng, dẫn đến lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp.
Một nghiên cứu trên hơn 23.000 doanh nghiệp nhận thấy rằng những công ty có số nhân viên gắn kết cao sẽ làm việc hiệu quả hơn 18% so với những công ty có tính gắn kết thấp. Và con số 18% là đủ để tác động lên năng suất của toàn bộ doanh nghiệp và thành công đạt được trong tương lai.
Nhân viên có sự kết nối hơn
Gắn kết nhân viên nghĩa là các nhân viên của doanh nghiệp cảm thấy gắn bó với nơi làm việc của họ, đồng thời, kết nối với đồng nghiệp của họ. Một nền văn hóa làm việc có sự kết nối sẽ khuyến khích giao tiếpvà dẫn đến tăng năng suất cho cả nhóm.
Giới trẻ ngày nay có xu hướng nghiên cứu văn hóa doanh nghiệp của nhà tuyển dụng tiềm năng trước khi đưa ra quyết định. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường gắn kết và đặt nhân viên làm trọng tâm của doanh nghiệp.
Khi môi trường làm việc có thể kích thích sự gắn kết tích cực giữa các nhân viên sẽ giúp tạo ra 'nỗ lực tự nguyện'. Điều này có nghĩa là các nhân viên sẽ sẵn sàng làm việc nhiều hơn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất.
Bên cạnh việc giảm thiểu xu hướng vắng mặt và nghỉ việc, cải thiện năng suất và hình thành đội ngũ nhân viên kết nối chặt chẽ với nhau, khả năng gắn kết sẽ khuyến khích nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
Nguồn: trginternational