CỐT LÕI CỦA MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP TINH GỌN

Về cốt lõi, khởi nghiệp là chất xúc tác để chuyển ý tưởng thành sản phẩm. Khi khách hàng tương tác với sản phẩm đó, họ tạo ra phản hồi và dữ liệu. Phản hồi sẽ mang ý nghĩa về chất lượng (ví dụ như họ thích/ không thích điều gì) lẫn số lượng (ví dụ bao nhiêu người dùng và cảm thấy nó giá trị). Sản phẩm của công ty khởi nghiệp thực tế là thử nghiệm; kết quả cho các thử nghiệm đó là những điều học hỏi được để xây dựng một công ty vững vàng. Với khởi nghiệp, thông tin đó quan trọng hơn rất nhiều so với tiền bạc, giải thưởng hay được báo chí nhắc tới, vì nó sẽ ảnh hưởng và định hình cho loạt ý tưởng tiếp theo.

Có thể trực quan hóa quy trình 3 bước này với một đồ thị đơn giản:

Vòng phản hồi xây dựng – đo lường – đúc kết

Giảm thiểu tổng thời lượng của vòng phản hồi

Vòng phản hồi Xây dựng – Đo lường – Đúc kết này chính là cốt lõi của mô hình Khởi nghiệp Tinh gọn.

Nhiều người được huấn luyện chuyên nghiệp cho một trong số các yếu tố nơi vòng phản hồi này. Với kỹ sư, đó là cách xây dựng thật hiệu quả. Một số giám đốc và chuyên gia thì chuyên về lập chiến lược và nghiên cứu. Nhiều doanh nhân lại tập trung công sức vào một thứ: ý tưởng về sản phẩm tốt nhất hoặc sản phẩm ra mắt được thiết kế tốt nhất, hoặc bị ám ảnh bởi dữ liệu và tính toán. Sự thật là không một hoạt động nào tự thân nó lại đóng vai trò quan trọng áp đảo. Thay vào đó, cần phải tập trung sức lực cho việc giảm thiểu tổng thời lượng vận hành một vòng xoay. Đây mới là điều tối quan trọng trong việc dẫn dắt hay lèo lái một công ty khởi nghiệp. Do đó cần sẽ phải đi hết trọn một vòng Xây dựng – Đo lường – Đúc kết và bàn luận chi tiết từng yếu tố.

Cần hiểu rõ rằng việc tập trung công sức cho việc học hỏi có kiểm chứng (validated learning), giúp người khởi nghiệp có thể tránh được rất nhiều lãnh phí mà đa phần các công ty khởi nghiệp ngày nay hay mắc phải. Tương tự như trong sản xuất tinh gọn, việc học được cách khi nào nên đầu tư và đầu tư vào cái gì sẽ giúp mọi người tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Để ứng dụng phương pháp khoa học cho khởi nghiệp, cần phải xác định sẽ thử nghiệm những giả thiết (hypothesis) nào. Đó chinh là yếu tố rủi ro nhất trong một kế hoạch khởi nghiệp – phần cốt lõi cho tất cả những thứ khác là các phỏng đoán đột phá về niềm tin (leap of faith assumption). Hai phỏng đoán quan trọng nhất là giả thiết giá trị và giả thiết tăng trưởng. Chúng dẫn tới việc tinh chỉnh các biến số kiểm soát động cơ tăng trưởng của một cuộc khởi nghiệp. Mỗi vòng xoay lặp lại của cuộc khởi nghiệp là một nỗ lực tăng tốc động cơ để xem liệu nó có hoạt động được hay không. Một khi nó hoạt động, quy trình sẽ lặp lại, càng lúc càng vào số lớn hơn, mạnh hơn.

Quy trình

Một khi đã biết rõ các phỏng đoán đột phá về niềm tin này, bước đầu tiên là tiến vào giai đoạn Xây dựng càng nhanh càng tốt với một sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP – minimum viable product). MVP là phiên bản sản phẩm cho phép người khởi nghiệp đi trọn một vòng Xây dựng – Đo lường – Đúc kết với nỗ lực ít nhất và thời gian ít nhất dành cho việc phát triển. Sản phẩm khả dụng tối thiểu thiếu nhiều tính năng mà về sau có thể trở nên rất cần thiết. Tuy nhiên, theo cách nào đó, tạo ra một MVP cũng đòi hỏi thực hiện thêm một số công việc: mọi người cần phải có khả năng đo lường được ảnh hương của nó. Ví dụ, sẽ không phù hợp nếu xây dựng một sản phẩm mẫu chỉ có giá trị ở tầm nội bộ với kỹ sư và các nhà thiết kế. Bên cạnh đó, cần phải đưa nó ra trước khách hàng tiềm năng để xem xét phản ứng của họ. Thậm chí còn nên thử bán sản phẩm này cho khách hàng nữa.

Khi bước vào giai đoạn Đo lường, thử thách lớn nhất là xem liệu nỗ lực phát triển sản phẩm có đang dẫn đến tiến triển thực sự không. Hãy nhớ, nếu mọi người đang tạo ra thứ không mong muốn, thì việc không hoàn thành đúng hạn, đúng ngân sách chẳng thành vấn đề nữa. Phương pháp khuyên dùng được gọi là kế toán cách tân (innovation accounting), một cách thức định lượng cho phép xem xét liệu nỗ lực tinh chỉnh động cơ của mình có đem lại được quả ngọt không. Nó cũng cho phép tạo ra những cột mốc về học tập (learning milestone), điều tương tự như những cột mốc truyền thống trong kinh doanh và phát triển sản phẩm.

Những cột mốc học tập rất hữu dụng với doanh nhân khởi nghiệp, đây là một cách xét đoán tiến bộ đạt được chính xác và khách quan. Chúng cũng vô giá đối với các giám đốc và nhà đầu tư – những người phải tin tưởng vào doanh nhân. Tuy nhiên, không phải thước đo nào cũng được tạo ra theo quy chuẩn giống nhau, cũng có những thước đo ảo hay phù phiếm (vanity metrics), trái với sự hữu dụng có vẻ điên rồ của dạng thước đo khả thi (actionable metrics). Điều này giúp mọi người phân tích hành vi khách hàng theo cách hỗ trợ được cho kế toán cách tân.

Cuối cùng, quan trọng nhất là việc điều chỉnh. Nếu hoàn thành được vòng xoay Xây dựng – Đo lường – Đúc kết, bản thân mỗi người khởi nghiệp có thể đương đầu với các vấn đề khó khăn nhất mà bất cứ doanh nhân nào cũng đối mặt: liệu nên đổi hướng chiến lược ban đầu hay nên đeo bám nó. Nếu mọi người khám phá ra một trong các giả thiết của mình là sai, thì đã đến lúc tạo một thay đổi lớn – một giả thiết chiến lược mới.

Phương pháp Khởi nghiệp Tinh gọn tạo ra những công ty hiệu quả về vốn, vì nó cho phép các công ty khởi nghiệp nhận ra liệu có cần đổi hướng sớm hơn, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc. Dù biết rằng vòng xoay trên là để áp dụng vào các hoạt động kinh doanh nhưng đôi khi hiệu quả thực ra lại xuất hiện theo thứ tự ngược lại: tìm ra điều cần học hỏi, dùng kế toán cách tân để tìm hiểu điều cần đo lường, biết được liệu mình đã có được chút tri thức được kiểm chứng nào chưa, rồi tìm hiểu ra cần xây dựng sản phẩm gì nhằm thử nghiệm và tiến hành đo lường. Tất cả kỹ thuật trên được thiết kế nhằm giảm thiểu tổng thời gian vận hành vòng xoay Xây dựng – Đo lường – Đúc kết.

Nguồn: pace