CÁC LOẠI CHỈ SỐ HIỆU SUẤT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG ĐO LƯỜNG KẾT QUẢ KINH DOANH

Hầu hết các doanh nghiệp đều tồn tại với mục đích tạo ra lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vai trò của những người quản lý là đảm bảo công ty của mình đạt được những mục tiêu đó. Chính vì thế, họ phải thu thập đủ dữ liệu để nắm bắt được doanh nghiệp đang hoạt động trong tình trạng như thế nào. Nếu bạn là một nhà quản lý, bạn phải tự mình đặt ra các câu hỏi như làm thế nào để tăng thị phần của công ty hay liệu tài sản của công ty có tạo ra đủ doanh thu tương ứng xứng đáng với số tiền đã đầu tư hay không. Câu hỏi thứ hai có thể được trả lời bằng cách tính toán các chỉ số hiệu suất.

Nhìn chung, những nhà quản lý doanh nghiệp sẽ dựa vào việc phân tích các chỉ số tài chính để hiểu và nắm bắt được xu hướng hoạt động và báo cáo tài chính của công ty. Việc này cung cấp cho họ thông tin quan trọng về hiệu suất kinh doanh của công ty. Phân tích chỉ số tài chính giúp người quản lý phát hiện ra những điểm mạnh và yếu của các sáng kiến và chiến lược khác nhau.

Các công cụ này (các chỉ số tài chính) cũng có thể được sử dụng để phân tích hiệu suất kinh doanh của công ty so với các công ty khác trong cùng ngành, cũng như xác định các yếu tố nào cần được cải thiện trước khi quá muộn. Ví dụ, chỉ số thanh toán nhanh là một chỉ số tài chính giúp đo lường xem liệu công ty có đủ tiền mặt để chi trả các khoản nợ tức thời hay không. Chỉ số này có thể đưa ra cảnh báo trước khi các khoản nợ vượt khỏi tầm kiểm soát của công ty.

PHÂN LOẠI CÁC CHỈ SỐ TÀI CHÍNH

Các chỉ số tài chính có thể được chia thành các nhóm, bao gồm: chỉ số lợi nhuận, chỉ số thanh khoản, chỉ số đòn bẩy và cuối cùng là chỉ số hiệu suất - trọng tâm của bài viết ngày hôm nay. Trước khi cùng SAGA.VN khám phá nhóm chỉ số hiệu suất, hãy xem xét những đặc trưng của các chỉ số tài chính. Đó là:

  • Phải được tính toán thường xuyên theo thời gian
  • Phải được dựa trên thông tin tài chính chính xác và đáng tin cậy
  • Phải được xem như là một chỉ báo về các vấn đề lớn và các xu hướng trong một khoảng thời gian dài và trong một thời điểm cụ thể nào đó
  • Phải được sử dụng trong nội bộ để đánh giá hiệu suất
  • Chúng cũng phải được sử dụng để so sánh hiệu suất hoạt động của công ty so với các công ty khác cùng ngành
  • Không được chỉ dựa vào chỉ mỗi những chỉ số này để đưa ra quyết định vì còn có rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh

CÁC LOẠI CHỈ SỐ HIỆU SUẤT

Bây giờ, hãy cùng SAGA.VN xem xét và tìm hiểu về các chỉ số hiệu suất khác nhau, được sử dụng để so sánh mức độ hiệu quả của một công ty trong việc sử dụng tài sản và kiểm soát các khoản nợ của mình.

1. CHỈ SỐ VÒNG QUAY CÁC KHOẢN PHẢI THU

Chỉ số vòng quay các khoản phải thu được sử dụng để đo lường hiệu quả của các chính sách tín dụng của một công ty. Chỉ số vòng quay các khoản phải thu quá thấp có thể cho thấy rằng công ty đang gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ từ khách hàng hoặc cho thấy chính sách cho vay tín dụng quá dễ dãi. Nếu xét tất cả các yếu tố đều bằng nhau, thì một chỉ số vòng quay các khoản phải thu ở mức cao sẽ được khuyến khích hơn.

Chỉ số vòng quay khoản phải thu = Doanh thu / Các khoản phải thu trung bình

Trong đó: Các khoản phải thu trung bình = (Các khoản phải thu đầu năm + Các khoản phải thu cuối năm)/2

(Lưu ý: Với các chỉ số tài chính phía sau, con số trung bình cũng được tính bằng đầu năm cộng cuối năm, sau đó chia 2)

2. CHỈ SỐ SỐ VÒNG QUAY HÀNG TỒN KHO

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho có thể giúp bạn xác định bạn đang quản lý hàng tồn kho của mình hiệu quả đến đâu. Nếu chỉ số này quá thấp thì có nghĩa là bạn đang lưu trữ hoặc tồn đọng quá nhiều hàng tồn kho, hoặc bạn đang gặp vấn đề trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Do đó, chỉ số vòng quay hàng tồn kho càng cao thì chính sách quản lý hàng tồn kho của bạn càng tốt. Chỉ số này được tính như sau:

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho = Chi phí bán hàng / Giá trị hàng tồn kho trung bình

3.  CHỈ SỐ VÒNG QUAY CÁC KHOẢN PHẢI TRẢ

Chỉ số này giúp đo lường xem liệu công ty có đủ nguồn lực để thanh toán các hóa đơn ngay lập tức hay không. Nếu chỉ số này cao thì điều đó cho thấy rằng công ty không nhận được các điều khoản thanh toán lành mạnh từ phía nhà cung cấp. Chỉ số này được đo như sau:

Chỉ số vòng quay các khoản phải trả = Chi phí bán hàng / Các khoản phải trả trung bình

4.  HỆ SỐ VÒNG QUAY TỔNG TÀI SẢN

Hệ số vòng quay tổng tài sản cho thấy mức độ hiệu quả trong việc sử dụng cả tài sản dài hạn và tài sản ngắn hạn. Nói cách khác, chỉ số này đo lường hiệu quả của từng đô la tài sản của công ty trong việc tạo ra doanh thu. Hệ số vòng quay tổng tài sản càng cao thì càng lý tưởng. Ví dụ, hệ số vòng quay tổng tài sản là 4 có nghĩa là đối với mỗi đô la tài sản, doanh nghiệp kiếm được 4 đô la doanh thu. Công thức để tính hệ số vòng quay tổng tài sản như sau:

Hệ số vòng quay tổng tài sản = Doanh thu / Tổng tài sản trung bình

5.  HỆ SỐ VÒNG QUAY TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

Chỉ số này cũng tương tự như hệ số vòng quay tổng tài sản, mặc dù có một số khác biệt. Tài sản cố định, thường là bất động sản, nhà máy và thiết bị hoặc các tài sản dài hạn, có thể hiểu là tài sản không thể chuyển đổi thành tiền mặt một cách nhanh chóng. Chỉ số vòng quay tài sản cố định càng cao thì số tiền bị giữ lại trong tài sản dài hạn trên mỗi đô la doanh thu bán hàng càng thấp, tức là càng tốt cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu hệ số này thấp thì nó chỉ ra rằng công ty đã đầu tư quá nhiều vào tài sản cố định. Công thức của chỉ số được tính như sau:

Hệ số vòng quay tài sản cố định = Lợi nhuận thuần / Tài sản cố định thuần trung bình;

hoặc Hệ số vòng quay tài sản cố định = Doanh thu / Tài sản cố định trung bình

6.  CHỈ SỐ CHI PHÍ HOẠT ĐỘNG

Chỉ số tài chính này đo lường chi phí vận hành một tài sản so với lợi nhuận mà tài sản đó mang lại. Nó cũng giúp so sánh chi phí giữa các tài sản tương tự. Nếu một tài sản có chỉ số chi phí hoạt động cao, thì đó là tín hiệu cho thấy cần phải có biện pháp khắc phục để giảm thiểu chi phí. Chi phí sử dụng cho chỉ số này có thể được tính toán theo nhiều cách, trong đó các chi phí phổ biến là bảo hiểm, thuế, phí bảo trì và các yếu tố làm giảm lợi nhuận. Công thức tính chỉ số chi phí hoạt động trên như sau:

Chỉ số chi phí hoạt động = Chi phí hoạt động / Tổng lợi nhuận gộp hoặc doanh thu

7.  HỆ SỐ THU NHẬP TRÊN ĐẦU TƯ

Thu nhập trên tài sản ròng là chỉ số cho biết hiệu quả lợi nhuận thuần được tạo ra từ tài sản ròng. Chỉ số tài chính này tính toán số đô la trong lợi nhuận thuần được ra từ mỗi đô la đầu tư vào các tài sản của công ty. Lấy ví dụ, hệ số thu nhập trên đầu tư là 17% có thể được hiểu là đối với mỗi đô la đầu tư vào giá trị tài sản ròng, doanh nghiệp tạo ra được 17 cent lợi nhuận trước thuế. Chỉ số tài chính này được tính như sau:

Hệ số thu nhập trên đầu tư = Lợi nhuận trước thuế / Giá trị tài sản ròng

8.  KỲ THU TIỀN BÌNH QUÂN

Còn được gọi là bình quân số ngày vòng quay các khoản phải thu, chỉ số tài chính này đề cập đến số ngày trung bình giữa thời điểm giao dịch tín dụng được xử lý cho đến ngày khách hàng thanh toán các khoản phải thu cho công ty. Chỉ số kỳ thu tiền bình quân giúp công ty quản lý dòng tiền của mình để có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính hiện thời khi đến hạn. Vì vậy, thời gian thu tiền trung bình là 20 ngày, có nghĩa là doanh nghiệp có thể phải đợi đến 30 ngày để thu được tiền nợ từ khách hàng. Công thức tính kỳ thu tiền bình quân như sau:

Kỳ thu tiền bình quân = 365 ngày trong một năm / Hệ số vòng quay khoản phải thu

9.  THỜI GIAN THANH TOÁN TRUNG BÌNH

Chỉ số tài chính này sẽ giúp bạn tính toán số ngày trung bình mà doanh nghiệp cần có để trả các khoản nợ thương mại. Ví dụ, thời gian thanh toán trung bình là 25 có nghĩa là tính trung bình công ty sẽ thanh toán các khoản phải trả trong vòng 25 ngày.

Chỉ số tài chính này được tính như sau:

Thời gian thanh toán trung bình = 365 ngày trong một năm / Chỉ số vòng quay các khoản phải trả

HẠN CHẾ CỦA CHỈ SỐ HIỆU SUẤT

Cho dù các chỉ số tài chính này có thể là một chỉ báo hữu ích về hiệu suất của công ty theo thời gian thì chúng vẫn có những hạn chế riêng như:

  • Ảnh hưởng của lạm phát: Lạm phát có thể dẫn đến sự biến dạng của dữ liệu, đặc biệt là đối với bảng cân đối kế toán. Điều này cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận và kết quả kinh doanh sau thuế của công ty. Do đó, các chỉ số này nên được sử dụng một cách cẩn trọng khi so sánh hiệu suất trong nội bộ công ty theo thời gian hoặc khi so sánh với các công ty có vị thế và tuổi đời khác nhau.
  • Ảnh hưởng theo mùa kinh doanh: Đôi khi, một công ty có thể tích lũy cổ phiếu và mua thiết bị để chuẩn bị cho một “mùa cao điểm” khi doanh thu cao hơn. Trong những trường hợp đó, chỉ số hiệu suất có thể thấp hơn.
  • Phương pháp kế toán khác nhau: Các công ty khác nhau sử dụng các phương pháp kế toán khác nhau, có nghĩa là bạn nên thận trọng khi sử dụng các chỉ số hiệu suất.
  • Hầu hết các công ty lớn hoặc các tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Điều này có nghĩa là rất khó có được dữ liệu vững chắc để thực hiện so sánh chéo.

KẾT LUẬN

Chỉ số hiệu suất có thể giúp bạn xác định xem liệu doanh nghiệp của mình có thể kiếm được từng đô la một từ mỗi hoạt động của công ty hay không. Chỉ số tài chính này cũng giúp bạn quản lý công ty một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng có những yếu tố bên ngoài khác có thể làm ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động kinh doanh của bạn

Theo: Saga