6 hình thức kinh doanh không cần vốn

6 hình thức kinh doanh không cần vốn

Bạn không cần phải có quá nhiều tiền để bắt đầu thực hiện một ý tưởng kinh doanh. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với số vốn bằng 0.

Nhiều người có ước mơ kinh doanh riêng nhưng không thực hiện được vì nhiều trở ngại, như chưa có đủ động lực và thời gian để tìm hiểu về lĩnh vực mình muốn hoạt động, chưa có một ý tưởng kinh doanh chắc chắn và rõ ràng để bắt đầu… Nhưng có thể nói, tiền chính là một trong những trở ngại lớn nhất cản bước một người trở thành doanh nhân.

Trên thực tế, có rất nhiều hình thức khả thi để huy động vốn, như vay tiền, xin tài trợ, crowdfunding (huy động vốn từ cộng đồng)… Vì thế, tiền không phải là một “lời biện hộ” hợp lý cho việc không thể trở thành doanh nhân. Bởi thật ra bạn không cần phải có quá nhiều tiền để bắt đầu kinh doanh. Thậm chí, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với số vốn bằng 0.

Theo Jayson Demers – nhà sáng lập, CEO Công ty cung cấp các dịch vụ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm AudienceBloom, dưới đây là một số hình thức kinh doanh không cần vốn mà những người nuôi "mộng doanh nhân" có thể tham khảo:

1. Cung cấp sản phẩm từ sự sáng tạo cá nhân

Các mặt hàng thủ công hay các sản phẩm nghệ thuật đều có thể là một mặt hàng bán chạy. Ví dụ, nếu là một họa sĩ, bạn có thể bán các tác phẩm của mình. Như vậy, khoản vốn phải bỏ ra ban đầu thực ra chỉ là thời gian và những đứa con tinh thần của bạn.

Các nền tảng giao dịch điện tử chính là những địa chỉ lý tưởng cho các nhà sáng tạo và giúp họ kiếm được lợi nhuận từ công việc chuyên môn của mình.

2. Cung cấp dịch vụ tại nhà

Nhiều loại dịch vụ không đòi hỏi bạn phải bỏ ra một số vốn ban đầu vì chúng là những sản phẩm vô hình. Và nếu làm việc tại nhà riêng của khách hàng, bạn cũng không cần phải đầu tư cho một trụ sở văn phòng. Chẳng hạn, bạn có thể cung cấp dịch vụ trông trẻ, dịch vụ chăm sóc thú cưng, thiết kế cảnh quan…

3. Cung cấp các dịch vụ sửa chữa hoặc tận dụng kỹ năng có sẵn

Nếu sở hữu một kỹ năng cụ thể, hãy tận dụng nó để mang lại nguồn thu chính cho hoạt động kinh doanh của mình. Chẳng hạn, nếu bạn là người thông thạo các hoạt động sửa chữa nhà cửa, hãy cung cấp dịch vụ cho khách hàng – những người không biết gì về lĩnh vực này.

Cũng giống như các loại dịch vụ tại nhà, kiểu kinh doanh này không đòi hỏi bạn phải có một cơ sở để đặt văn phòng và không yêu cầu bạn phải đầu tư tiền vốn trước khi bắt đầu, ngoại trừ một số công cụ để làm việc nhưng bạn sẽ nhanh chóng lấy lại chúng trong doanh thu.

4. Tư vấn

Nhiều người bắt đầu nghĩ về việc trở thành doanh nhân chỉ sau khi làm công việc chuyên môn được vài năm. Hãy suy nghĩ về lĩnh vực mình đang hoạt động và tự hỏi xem bạn đã học hỏi được gì kể từ khi bắt đầu làm việc. Những chủ doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các công ty mới bắt đầu hoạt động có thể sẽ rất hứng thú trả tiền cho những kinh nghiệm mà bạn đang sở hữu.

Tư vấn là loại hình dịch vụ mà bạn chỉ cần tốn thời gian để “sản xuất” nhưng lại là một cơ hội nghề nghiệp đáng giá.

5. Mua đi bán lại

Ý tưởng về kiểu kinh doanh này rất đơn giản: bạn có được sản phẩm và bán chúng cho người khác. Để có được sản phẩm, bạn có thể tận dụng mô hình dropshipping (nghĩa là “bỏ qua khâu vận chuyển”, cho phép bạn mua sản phẩm từ nhà cung cấp và chuyển chúng trực tiếp đến khách hàng. Thay vì mua một số lượng lớn hàng tồn kho, bạn chỉ cần hợp tác với một nhà cung cấp dropshipping và chào bán hàng hóa của họ) hoặc mua hàng từ những nhà bán buôn.

Mô hình dropshipping sẽ mang đến lợi nhuận thấp, nhưng bạn gần như không cần tiền vốn ban đầu. Với kiểu hợp tác với các nhà bán buôn, bạn cần phải có trước một số vốn kha khá, tuy nhiên bạn có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn.

6. Lập nên "vi doanh nghiệp" (micro-entrepreneur)

Bạn cũng có thể khởi sự kinh doanh bằng cách tận dụng những cơ hội từ kinh tế chia sẻ, chẳng hạn như trở thành tài xế của một dịch vụ gọi xe hoặc cho thuê nhà thông qua các nền tảng được tin tưởng như Airbnb…

Sau khi bắt đầu kinh doanh và có được lợi nhuận, vấn đề vốn liếng đối với bạn sẽ không còn quá quan trọng nữa. Lúc này, bạn có thể lựa chọn sử dụng vốn đã kiếm được để “tái đầu tư” cho lĩnh vực hiện tại hoặc bắt đầu một lĩnh vực khác thú vị hơn, và có thể có quy mô lớn hơn.

Nguồn: DNSG


Dark Swan

Dark Swan

Cập nhật những thông tin bổ ích về kinh doanh và khởi nghiệp ngay tại Blog.lanhdaotaiba.com