3 MÔ HÌNH RA QUYẾT ĐỊNH

Các nhà quản trị doanh nghiệp có thể tham khảo ba mô hình ra quyết định do những nhà lý thuyết quản trị sáng tạo ra, nhằm áp dụng vào quá trình đưa ra quyết định.

Trong mọi tổ chức luôn luôn tồn tại nhu cầu giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình quản trị. Để giải quyết các vấn đề này, người ta thường phải xây dựng và lựa chọn các phương án tối ưu, đòi hỏi nhà quản trị phải cân nhắc và đi đến quyết định. Quyết định quản trị là sự lựa chọn những phương án tốt nhất cho vấn đề đã xác định.

Mô hình ra quyết định hợp lý

Mô hình ra quyết định hợp lý đặt trên các giả định hợp lý, qua đó nhà quản trị đưa ra những lựa chọn thích hợp, tối đa hóa lợi nhuận trong khuôn khổ những ràng buộc nhất định.

Các giả định bao gồm vấn đề là rõ ràng, mục tiêu không quá phức tạp và phải thực hiện được, sự ưu tiên là ổn định và không thay đổi, giải pháp và kết quả được biết, không có ràng buộc về thời gian và chi phí. Người ra quyết định hợp lý sẽ xác định vấn đề một cách cẩn thận và có mục tiêu rõ ràng, cụ thể.

Mô hình ra quyết định hợp lý rất lý tưởng trong việc dẫn dắt cá nhân hoặc nhóm hướng tới tính hợp lý trong tiến trình ra quyết định. Trong thực tế, người ta hiếm khi ra quyết định một cách lý tưởng như vậy, đặc biệt trong các điều kiện ra quyết định có nhiều rủi ro và không chắc chắn.

Mô hình ra quyết định hợp lý có giới hạn

Mô hình ra quyết định nhấn mạnh những hạn chế về tính hợp lý của cá nhân người ra quyết định. Mô hình này giải thích tại sao nhà quản trị thường đưa ra những quyết định rất khác nhau, dù rằng họ có thông tin giống nhau.

Họ có thể dễ dàng chấp nhận một mục tiêu hay giải pháp, dù biết rằng đó chưa phải là mục tiêu hay giải pháp tốt nhất. Trong trường hợp này, sự lựa chọn có thể được nhận diện và đạt được dễ dàng, đồng thời ít gây tranh cãi so với mục tiêu và giải pháp tối ưu.

Mô hình này phản ánh một số khuynh hướng cá nhân hoặc tính cách của người ra quyết định. Chẳng hạn, người ra quyết định lạc quan bao giờ cũng chọn phương án tăng tối đa những kết quả cực đại, còn người ra quyết định bi quan sẽ lựa chọn phương án tốt nhất trong các kết quả tồi tệ nhất.

Có những người ra quyết định theo hướng giảm đến mức tối thiểu mức độ trục trặc mà họ phải gánh chịu sau sự việc đó. Một số người khác thì  thiếu lý lẽ, giả định rằng mọi kết quả có thể xảy ra của quyết định đều có cơ hội xuất hiện như nhau.

Cũng có trường hợp nhà quản trị chọn không đúng mục tiêu hay không tìm kiếm giải pháp tối ưu do sự hài lòng về hiện trạng hoặc tính chấp nhận rủi ro cao.

Một vấn đề khác là phạm vi tìm kiếm mục tiêu hay giải pháp cho việc ra quyết định bị hạn chế, chẳng hạn về kiến thức, thông tin hay thời gian. Trong quá trình ra quyết định, người ra quyết định thường không có đủ thông tin cần thiết về những vấn đề cần giải quyết, và cũng không thể kiểm soát được sự ảnh hưởng của những điều kiện khách quan đối với kết quả ra quyết định. Do đó, mô hình ra quyết định hợp lý có giới hạn cho rằng người ra quyết định càng sớm chấm dứt việc đưa ra nhiều giải pháp khác nhau thì càng sớm tìm ra giải pháp có thể chấp nhận được.

Mô hình ra quyết định dựa trên quyền lực

Mô hình này phù hợp khi quyết định các vấn đề có liên quan đến giới hữu quan có quyền lực hay khi những người ra quyết định bất đồng về việc lựa chọn mục tiêu. Quyền lực là năng lực ảnh hưởng hoặc kiểm soát các quyết định và mục tiêu của cá nhân, nhóm, của bộ phận hoặc của tổ chức.

Quyền lực đủ mạnh mới ảnh hưởng và kiểm soát hoạt động liên quan đến tiến trình ra quyết định như định dạng vấn đề, chọn lựa mục tiêu, cân nhắc các phương án, chọn lựa phương án để thực hiện và triển khai hoạt động dẫn đến sự thành công của tổ chức.

Mô hình này bao hàm ý nghĩa người ra quyết định phải có đủ thẩm quyền và khả năng giải quyết những vấn đề nảy sinh, các quyết định cá nhân thường là những quyết định phải đòi hỏi cấp bách về thời gian và tinh thần trách nhiệm cao.

Tuy nhiên, nhà quản trị cũng cần tranh thủ được thông tin từ tập thể, vận động tập thể tham gia vào các quyết định để vừa bảo đảm tính sáng tạo vừa cải thiện mối quan hệ giữa các cá nhân trong tổ chức. Tập thể sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn xác định mục tiêu và giải pháp vì tập thể có nhiều thông tin, thái độ và cách tiếp cận khác nhau.

Người ra quyết định phải có đủ thẩm quyền và khả năng giải quyết những vấn đề nảy sinh, các quyết định cá nhân thường là những quyết định phải đòi hỏi cấp bách về thời gian và tinh thần trách nhiệm cao.

Theo: DNSG